Cầu thủ bị tác động ra sao nếu thi đấu trong thời tiết băng giá?

(VOH) - Một trong những khó khăn lớn nhất đối với U23 Việt Nam trong trận chung kết U23 Châu Á sắp tới, đó là các cầu thủ phải đá trong thời tiết lạnh giá.

Những ngày này, tại Thường Châu, Trung Quốc thời tiết khá lạnh giá, trời có tuyết và nhiệt độ xuống dưới 0. Thời tiết lạnh giá tác động không nhỏ đến U23 Việt Nam, trong khi các cầu thủ U23 Uzbekistan không lạ lẫm gì vì nhiệt độ nước họ cũng thường xuống mức tương tự vào thời điểm đầu năm.

Khi còn thi đấu vòng bảng tại Côn Sơn, cái lạnh gần 0 độ đã khiến nhiều cầu thủ U23 Việt Nam cảm thấy không thể chịu nổi. Tình trạng buốt giá và tuyết rơi trắng tại Thường Châu lúc này thực sự là thử thách lớn với U23 Việt Nam và sẽ tạo ra nhiều bất lợi, đặc biệt là nguy cơ sức khỏe.

Dù lạnh đến đâu, các cầu thủ U23 Việt Nam cũng phải duy trì tập luyện để có được trạng thái cân bằng (Ảnh: Hoa học trò)

Nguy cơ căng cơ, chấn thương

Thời tiết lạnh khiến cơ bắp bị mất nhiều nhiệt và dễ bị co lại, gây đau thắt khắp cơ thể. Các khớp cũng co lại, chặt hơn, các cơ chuyển động kém linh hoạt và dây thần kinh có thể dễ dàng bị siết chặt.

Do ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh hơn, các cơ bắp bị buộc phải làm việc nhiều hơn để hoàn thành cùng một nhiệm vụ mà chúng có thể hoàn thành một cách dễ dàng trong thời tiết ôn hòa. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho các mô cơ, có thể dẫn đến tăng đau nhức, tăng nguy cơ chấn thương hơn vì cơ dễ rách, và điều này làm tăng áp lực thi đấu. 

Nguy cơ sốc nhiệt

Thời tiết lạnh làm mạch máu bị thu hẹp, lưu lượng máu cùng oxy đến tim bị giảm. Kết quả là huyết áp tăng kéo theo các nguy cơ đe dọa mạng sống như đau tim hoặc đột quỵ, nhất là khi hoạt động ngoài trời.

Ngoài ra, các cầu thủ còn đối mặt với tình trạng hạ thân nhiệt, tim không thể hoạt động bình thường, quá trình tuần hoàn bị ảnh hưởng…

HLV Park Hang Seo và các trợ lý đã có phương án bảo vệ cầu thủ trong thời tiết lạnh giá: mặc áo ấm, đội mũ len, đeo gang tay, đeo khẩu trang và uống trà gừng. Mỗi buổi tập và khi thi đấu, cầu thủ đều được chuẩn bị 2 bộ quần áo và 2 áo bó giữ nhiệt để ngay khi tập xong sẽ thay đồ, tránh bị cảm lạnh.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ xuống thấp quá, ai cũng vài lớp áo dày mà các cầu thủ vẫn "phong phanh" chạy ào ào trên sân thì cũng vô cùng rủi ro.

Thầy - trò trùm kín mít khi tập luyện (Ảnh: VTC)

Tê cóng 

Cái lạnh có thể kéo đến căn bệnh Raynaud khiến tay, chân, tai bị tê buốt do động mạch co lại quá mức. Căn bệnh này không nguy hiểm nhưng rất khó chịu và đau đớn. Ngoài ra, thời tiết lạnh còn gây cảm giác mặt, tai, ngón tay và ngón chân bị đông cứng, có thể khiến các cầu thủ không thoải mái khi đấu.

Nguy cơ mắc bệnh hô hấp

Thời tiết giá lạnh khiến con người dễ mắc phải các bệnh về hô hấp, nhất là khi chơi bóng ngoài trời.

Lời khuyên của chuyên gia là tránh há miệng để không khí không lọt vào bụng qua khí quản, nhờ đó có thể tránh được nguy cơ viêm họng và các bệnh hô hấp khác. Nhưng điều này dường như bất khả thi quá vì trên sân bóng, ngoài vận động hết tốc lực, các cầu thủ còn phải la hét khá nhiều.

Ngay trong buổi họp báo trước giải đấu diễn ra vào ngày 10/1, tại Trung Quốc, huấn luyện viên Park Hang Seo đã không giấu nỗi lo ngại trước điều kiện thời tiết lạnh giá tại Trung Quốc. U23 Việt Nam cũng phải mất rất nhiều thời gian hơn để thích nghi với tiết trời lạnh giá, có lúc xuống 1-2 độ C tại địa điểm thi đấu.

Tuy nhiên, với những gì U23 Việt Nam đã thể hiện thì dường như họ đã chiến thắng được cả sự khắc nghiệt của thời tiết.

Với chiến lược của HLV Park Hang Seo và sự chăm sóc kĩ lưỡng của các bác sĩ, hi vọng các cầu thủ U23 tiếp tục vượt qua trở ngại này và mang vinh quang về cho đất nước trong trận đấu lịch sử diễn ra vào ngày 27/1 tới.