Chuẩn bị SEA Games 31 còn bộn bề khó khăn

(VOH) - Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 11 và 12 tới tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp nên các kế hoạch, công tác chuẩn bị của ngành thể thao và các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Các quốc gia trong khu vực cũng đã và đang phải dồn sức ứng phó đại dịch thay vì tích cực chuẩn bị cho SEA Games như các kỳ Đại hội trước. Do đó, ngành thể thao đang cân nhắc bàn thảo rất nhiều phương án để chọn ra phương án tối ưu, trong đó có phương án lùi thời gian tổ chức Đại hội để trình Chính phủ xem xét và quyết định.

 Theo kế hoạch, khi đăng cai SEA Games 31, Hà Nội tổ chức 19/40 môn, Bắc Giang tổ chức 1 môn, Bắc Ninh tổ chức 4 môn, Quảng Ninh tổ chức 7 môn, các tỉnh khác từ 1-2 môn. Thời gian qua, ngành thể thao và các địa phương dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực đảm bảo tiến độ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cũng như các công tác chuẩn bị khác.

Chuẩn bị SEA Games 31 còn bộn bề khó khăn 1

Sao la - Linh vật của SEA Games 31

Khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trên cả nước. Công tác phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nên công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 ở các địa phương đăng cai chịu nhiều ảnh hưởng, thậm chí phải tạm thời gác lại. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao cho biết, các địa phương hiện đang tập trung vào công tác phòng, chống dịch, nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ của công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, kể cả việc sửa chữa, nâng cấp các nhà thi đấu, sân vận động. Tại Bắc Giang, nhà thi đấu chuẩn bị cho SEA Games 31 đã được sử dụng làm bệnh viện dã chiến phục vụ cho việc cách ly, chăm sóc, điều trị và cấp cứu bệnh nhân Covid-19.

"Việc chuẩn bị thì vẫn chuẩn bị bình thường, nhưng tình hình hiện nay thì chỉ có ban tổ chức ở Tổng cục thì mới chuẩn bị, chứ còn các địa phương thì đang ưu tiên tập trung chống dịch. Các bộ ban ngành tham gia tổ chức SEA Games cũng tập trung chống dịch. Tại Bắc Giang, nhà thi đấu chuẩn bị cho SEA Games 31 phải sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Nên chúng tôi đánh giá tình hình rất khó khăn" - Ông Trần Đức Phấn thông tin:

Về chuyên môn, công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 được ngành Thể dục thể thao đặc biệt chú trọng. Các vận động viên đã và đang nỗ lực tập luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia trên toàn quốc. Tính đến nay, các trung tâm huấn luyện quốc gia đã triệu tập hơn 1.100 lượt vận động viên, cùng hàng trăm huấn luyện viên, chuyên gia. Đội ngũ này chuẩn bị cho việc tham dự vòng loại Olympic và Paralympic Tokyo, SEA Games 31 và các giải thể thao quốc tế khác. Ở các trung tâm này, các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế và địa phương được thực hiện nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ. Lệnh “cắm trại” được áp dụng để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc bên ngoài.

Cùng với nhiều đội tuyển khác, tuyển thể dục dụng cụ đang tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Ngoài việc chuẩn bị tham dự Olympic Tokyo cho 2 vận động viên Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành, SEA Games 31 là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà tuyển thể dục dụng cụ hướng tới. Thầy và trò ở đội tuyển đã và đang đảm bảo kế hoạch tập luyện để sẵn sàng cho nhiệm vụ gặt hái thành tích. Điều khiến các vận động viên lo lắng nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên không thể tham gia các chuyến tập huấn ngắn hạn và dài hạn cũng như đi thi đấu cọ xát tại các giải quốc tế. Huấn luyện viên tuyển thể dục dụng cụ Trương Minh Sang cho biết: "Tổng cục TDTT, cũng như Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nơi các vận động viên đang tập trung thì tạo điều kiện hết mức. Các vận động viên ăn, ở tập luyện với điều kiện đảm bảo, an toàn. Chỉ có điều hơn một năm qua các vận động viên không được thi đấu tập huấn, ảnh hưởng tâm lý phần nào. Ban huấn luyện và vận động viên cũng hiểu điều này, chủ động và hướng dẫn sát sao trong công tác tập luyện."

Ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đang đảm bảo duy trì tập huấn tại chỗ cho trên 600 vận động viên của 20 đội tuyển. Vượt qua khó khăn về dịch bệnh, Trung tâm cố gắng đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các vận động viên tham gia tập luyện.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ các vận động viên thành phố được tập trung đội tuyển, cũng như hỗ trợ các đội tuyển quốc gia tập huấn, như tạo điều kiện cho tuyển cử tạ, cầu lông luyện tập tại Nhà thi đấu Phú Thọ, vận động viên điền kinh chủ lực Lê Tú Chinh tập luyện tại sân Thống Nhất, do điều kiện tập luyện tốt hơn. Tuy nhiên, trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, việc tập luyện của các đội tuyển, vận động viên nói trên chịu nhiều ảnh hưởng lớn.

Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Trung tâm huấn luyện quốc gia vì điều kiện cơ sở vật chất nhờ sự hỗ trợ của thành phố, như các đội tuyển cầu lông, cử tạ thì tập tại Nhà tập luyện Phú Thọ, bơi lội ở Trung tâm Yết Kiêu… Nhưng thời điểm giãn cách thì phải ngưng, trừ trường hợp đặc biệt chuẩn bị cho Olympic. Tập tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia thì bình thường, nhưng các cơ sở của thành phố thì phải ngưng. Đây cũng là cái khó."

Như vận động viên điền kinh được đầu tư trọng điểm Lê Tú Chinh, việc tập luyện ở sân Thống Nhất phải tạm dừng, tập trung và “cắm trại” ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để đảm bảo an toàn phòng dịch. Huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Hương, người trực tiếp huấn luyện Lê Tú Chinh chia sẻ: "Nhiều khi đang tập luyện mà dịch ập đến thì tâm lý rất nặng nề. Như cô trò đang tập rất tốt, thì dịch tới, cứ nghĩ đến tháng 7 là cái mốc thi đấu.Bây giờ phải duy trì. Lúc nào cũng sẵn sàng cho Tú Chinh, có thi hay không thi cũng cho em chuẩn bị tốt."

Tuy nhiên, việc không được thi đấu cọ xát, tập huấn nước ngoài là tình cảnh chung, không chỉ có các vận động viên của chúng ta mà đội ngũ vận động viên của các nước trong khu vực cũng tương tự. Không chỉ có Việt Nam đang căng sức chống dịch, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang đứng trước làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19. Nhiều quốc gia dịch bệnh vẫn ở tình trạng khó kiểm soát như Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ 

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh, áp lực lớn nhất khi tổ chức SEA Games 31 là số lượng người tham dự Đại hội sẽ rất đông. Ngoài lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, quan chức, trọng tài, tình nguyện viên, các bộ phận tham gia phục vụ… còn có thêm một lượng lớn cổ động viên, du khách từ các nước, dự kiến đến hàng chục ngàn người.

Bên cạnh đó, việc tổ chức SEA Games 31 trải dài trên 12 tỉnh/thành của cả nước sẽ rất khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các thành viên tham dự SEA Games là ưu tiên hàng đầu. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo ngành thể dục thể thao cập nhật thông tin, nghiên cứu bối cảnh dịch bệnh, xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương đăng cai chính tổ chức SEA Games để chọn phương án, báo cáo Chính phủ xem xét.

Ông Trần Đức Phấn cho biết, ngành thể thao đang đánh giá, chọn phương án tối ưu để tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét, trong đó có phương án lùi thời điểm tổ chức vào nửa đầu năm 2022. "Đây là phương án mà chúng tôi đang dự kiến đề xuất, trong tình hình dịch như thế, chưa biết khi nào dừng cả. Nếu Việt nam còn dịch thì chắc chắn công tác tổ chức SEA Games là rất khó khăn. Mình mong muốn hết dịch để tổ chức vào tháng 4, tháng 5 năm sau. Chứ hiện nay tình hình quá khó khăn. Tổ chức thì sự an toàn phải đặt lên hàng đầu."

Theo ông Trần Đức Phấn, việc lùi thời gian sang năm 2022 cũng cần được tính toán phù hợp, tốt nhất là trong sáu tháng đầu năm 2022 để Campuchia có thời gian tổ chức SEA Games 32. Trong suốt thời gian qua, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo tiến độ, công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho kỳ SEA Games 31 được diễn ra thành công và an toàn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho công tác chuẩn bị cho Đại hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó khăn bộn bề. Các phương án tổ chức SEA Games phù hợp với tình hình hiện nay dự kiến sẽ được trình ngay trong tháng 6 để Chính phủ xem xét và quyết định.