Nước chủ nhà World Cup 2022 làm mát các SVĐ như thế nào?
World Cup 2022 là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử được tổ chức vào mùa Đông (tháng 11 và 12) thay vì mùa Hè như trước. Việc dời lịch này là do để tránh cái nóng khắc nghiệt tại nước chủ nhà Qatar.
Dù đã chuyển sang mùa Đông nhưng vẫn không thể tránh được thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của Qatar. Để giải quyết vấn đề này, chủ nhà đã đưa hệ thống điều hòa không khí hiện đại, giúp cho nhiệt độ trong các sân vận động World Cup 2022 luôn ở mức lý tưởng từ 24-28 độ C, dù cho nhiệt độ bên ngoài nóng đến đâu.
Giải pháp này đã được lắp đặt để giúp điều hòa không khí trong sân, không chỉ là nhiệt độ, mà còn phải kiểm soát độ ẩm, làm sạch và kiểm soát ô nhiễm không khí. Cung cấp năng lượng cho hệ thống làm mát này là dự án nhà máy năng lượng mặt trời Al Kharsaah, cách Doha 80 km. Công nghệ tương tự đã được tích hợp vào các nhà kính nông nghiệp ở sa mạc Qatar.
Hơn 300 cảm biến nhỏ được gắn xung quanh sân vận động sẽ thu thập thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và thậm chí cả loại quần áo mà người hâm mộ đang mặc ở một khu vực nhất định. Sau khi tổng hợp và phân tích dữ liệu, những kỹ sư trong phòng điều hành sẽ quyết định nhiệt độ cũng như mức độ làm mát cần thiết cho từng khu vực.
Saud Abdulaziz Abdul Ghani, người được mệnh danh là Tiến sĩ Cool, vốn là Giáo sư tại Trường Đại học Kỹ thuật Qatar, được giao nhiệm vụ tìm giải pháp cho cái nóng Ả Rập từ năm 2009, thời điểm Qatar vận động đăng cai World Cup 2022 . Sau 13 năm, đã đến lúc Tiến sĩ Cool tận hưởng thành quả. “Các cầu thủ sẽ có trải nghiệm tuyệt nhất trong đời họ”, ông nói đầy mãn nguyện.
World Cup 2022 là nơi sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến
Goal-line (Xác định bàn thắng tự động): Công nghệ Goal-line vốn đã bắt đầu được sử dụng tại World Cup 2014 và liên tục được nâng cấp. Tại Qatar năm nay, mỗi hệ thống Goal-line sẽ sử dụng dữ liệu từ 14 camera tốc độ cao gắn dưới sân hoặc dưới mái che. Các dữ liệu được sử dụng để tạo hoạt cảnh 3D nhằm hiển thị kết quả một cách trực quan cho cả người xem trên TV lẫn trong sân vận động. Đây cũng được coi là công nghệ ít gây tranh cãi nhất, có tính chính xác cao nhất kể từ khi xuất hiện.
FIFA Player (Ứng dụng thông tin hiệu suất cầu thủ): Do FIFA và FIFPRO (đại diện toàn cầu của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp) hợp tác phát triển. Ứng dụng FIFA Player cung cấp dữ liệu chi tiết về hiệu suất của từng người chơi sau mỗi trận đấu và được áp dụng lần đầu tại World Cup 2022.
Mỗi cầu thủ sẽ có các dữ liệu về thể chất, được thu thập thông qua các cảm biến, nhiều camera độ chính xác cao lắp đặt quanh sân. Các thông số có thể kể đến bản đồ nhiệt, thời gian di chuyển tốc độ trên 25km/giờ, tốc độ tối đa. Ngoài ra, người xem cũng có thể nhận biết số đường chuyền, số lần tạo cơ hội, khả năng gây áp lực khi mất bóng của từng cầu thủ.
Công nghệ bắt việt vị bán tự động: FIFA lần đầu giới thiệu công nghệ bắt việt vị bán tự động vào năm 2019 và thử nghiệm thành công tại Arab Cup ở Qatar năm 2021 cũng như FIFA Club World Cup tại UAE đầu năm 2022. Đây cũng là công nghệ mới được quan tâm nhất khi áp dụng tại World Cup 2022.
Giải pháp này dựa trên 12 camera chuyên dụng gắn dưới mái các sân vận động và được đồng bộ hóa. Dữ liệu theo dõi quang học xem xét 29 điểm dữ liệu di chuyển của từng cầu thủ và vị trí của bóng, được phân tích ở tốc độ 50 lần/giây.
Al Rihla, trái bóng chính thức của World Cup 2022, có một bộ cảm biến để truyền dữ liệu 500 lần mỗi giây đến phòng VAR. Hai công nghệ này kết hợp để theo dõi di chuyển của từng cầu thủ và "thời điểm bóng rời chân" chính xác trong thời gian thực bằng cách sử dụng AI.
VAR sẽ nhận được cảnh báo nếu hệ thống phát hiện việt vị, từ đó xem lại tình huống theo cách thủ công rồi tư vấn cho trọng tài chính. FIFA ước tính công nghệ sẽ giúp cắt giảm thời gian đưa ra quyết định từ mức trung bình 70 giây bằng việc xem lại băng hình ngoài đường biên hiện tại xuống còn từ 20-25 giây.