Thể thao Việt Nam sẵn sàng chinh phục SEA Games 30, dù nhiều khó khăn

(VOH) - Ngày 26/11 tới, đoàn thể thao Việt Nam sẽ chính thức lên đường tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á 2019 - SEA Games 30, diễn ra tại Philippines.

Đại hội khai mạc ngày 30/11 và bế mạc ngày 11/12/2019, với sự tham gia của 11.000 vận động viên và quan chức từ 11 quốc gia thành viên, 9.000 tình nguyện viên, 530 sự kiện và 56 môn thể thao. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự hơn 40 môn với 856 thành viên và đặt kỳ vọng vào những bộ môn thế mạnh như: Điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, đua thuyền, bơi, cờ vua, cử tạ... Đồng thời, đoàn thể thao Việt Nam nhận trọng trách trước Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là phấn đấu giành 65 - 70 huy chương vàng, xếp hạng 3 toàn đoàn.

Trước ngày lên đường, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30.

Ông Trần Đức Phấn

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Ảnh: baotintuc

*VOH: Thưa ông, Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30 ngày hội thể thao lớn nhất khu vực với tinh thần và sự chuẩn bị như thế nào?

- Ông Trần Đức Phấn: Hiện nay, công tác chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam cơ bản là ổn. Theo báo cáo của đoàn thì mọi thứ đã chuẩn bị cũng như đăng ký với Ban tổ chức Đại hội ở Philippines đã hoàn thành xong. Còn về phía các đội tuyển tham dự SEA Games, trên 40 môn và phân môn thì có một số nhóm các vận động viên trọng điểm tiếp tục tập huấn ở nước ngoài, dần dần di chuyển về Việt Nam để chuẩn bị cho ngày 26/11, đoàn chính thức của Việt Nam sẽ lên đường. Đoàn chính thức là đoàn lớn nhất, gồm cán bộ, chuyên gia, HLV, VĐV, lên đường tham dự Đại hội. Còn những môn khác sẽ tiếp tục di chuyển sang Philippines theo lịch thi đấu của các môn này. Về cơ bản, Ban tổ chức sẽ bố trí cho mình trước 3 ngày. Những công tác hậu cần, kể cả lĩnh vực về y tế cơ bản đã chuẩn bị xong. Có thể nói, tất cả những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị của đoàn đã hoàn thiện.

*VOH: Đây được xem là một kỳ đại hội rất khó khăn, bởi nhiều yếu tố. Ông nói rõ hơn về những thách thức lớn nhất với đoàn thể thao Việt Nam?

- Ông Trần Đức Phấn: Ở kỳ đại hội lần này, có thể nói là một trong những đại hội nhiều nhất từ trước đến nay về số lượng các môn thi đấu. Tuy nhiên, một số các nội dung thi, đặc biệt các môn Olympic, Asiad thì Ban tổ chức nước chủ nhà cắt giảm rất nhiều các nội dung thế mạnh của chúng ta, kể cả các nội dung của các quốc gia khác. Nhưng SEA Games thì chúng tôi xác định chủ nhà nào đăng cai tổ chức cái nào thì thi đấu cái đó. Do vậy, theo mục tiêu đề ra thì đạt vị trí thứ ba toàn đoàn rất khó khăn, khi các nội dung thế mạnh của mình bị cắt giảm rất nhiều. Đối với Đại hội lần này, việc thi đấu thật sự gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn có những khó khăn về di chuyển và tác nghiệp, khi họ chia ra đến 4 khu vực thi đấu.

*VOH: Ngoài vị trí thứ ba toàn đoàn như ông nói, chúng ta đặt mục tiêu cụ thể bao nhiêu huy chương vàng tại Đại hội, và đâu là những niềm hy vọng, những mũi nhọn được chờ đợi nhất?

- Ông Trần Đức Phấn: Nếu chúng ta muốn lọt vào nhóm 3, theo tính toán của chúng tôi thì phải đoạt từ 65 huy chương vàng trở lên. Đối với các nước trong khu vực thì họ đầu tư rất mạnh cho các môn Olympic, trong đó có cả Singapore. Mặc dù số lượng tham dự các môn của Singapore không lớn, nhưng mà các môn Olympic thì họ rất mạnh, đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó thì Indonesia, nước chủ nhà Asiad năm ngoái, cũng đầu tư cho các vận động viên rất lớn, và có nhiều nội dung ở các môn Olympic, Asiad họ cũng rất mạnh. Hay như Malaysia cũng đầu tư rất nhiều cho các môn thể thao Olympic. Nói tóm lại là sau Thái Lan, nước chủ nhà Philippines, 4 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore sẽ tranh vị trí thứ ba. Và phải đạt 65 huy chương vàng trở lên mới có khả năng, có cơ hội đạt vị trí thứ ba toàn đoàn.

*VOH: Còn đối với những môn mũi nhọn, những môn Olympic thì chúng ta chờ đợi như thế nào?

- Ông Trần Đức Phấn: Hiện nay thì chúng ta có 2 môn ở nhóm 1 là điền kinh và bơi lội, là 2 môn Olympic cơ bản. Bên cạnh đó thì chúng ta có môn vật, một số môn thể thao cá nhân, các môn võ thì cũng phải phấn đấu. Kể cả một số môn thể thao tham gia theo hình thức xã hội hóa, chuyển đổi từ các môn võ như kurash, kempo, Jujitsu… thì chúng ta cũng phải phấn đấu để có huy chương ở các môn thể thao đó. Chúng ta đấu những môn Olympic, Asiad, những nhóm đó thì phải phấn đấu để có huy chương.

*VOH: Quá trình phát triển, SEA Games bây giờ có lẽ đã có nhiều điểm khác biệt lớn so với trước đây. Ông đánh giá điều này mang đến những hiệu ứng như thế nào với sự phát triển của thể thao Việt Nam?

- Ông Trần Đức Phấn: Hiện nay thì chúng ta tập trung đầu tư cho các môn Olympic. Tuy nhiên, đối với thể thao khu vực thì chúng ta đều biết mỗi nước tổ chức có cách tính toán khác nhau. Do vậy, định hướng của chúng ta thì rất khó cho việc xác định mục tiêu. Đặc biệt là chỉ tiêu để chúng ta có thể phấn đấu ở tốp này tốp kia. Nếu mà sòng phẳng ra, theo quy định của Olympic hay Asiad có bao nhiêu nội dung Olympic thì đấu hết, mới thể hiện đúng sự đầu tư và tiềm lực. Tuy nhiên, đối với thể thao khu vực, SEA Games thì có nét văn hóa của thể thao khu vực, khi tổ chức đăng cai SEA Games thì họ cũng tính toán tổ chức môn này môn kia…Thể thao Việt Nam thì vẫn xác định và định hướng những mục tiêu cao hơn, ra những đấu trường lớn, đặc biệt là Asiad và Olympic. Mặc dù ở Asiad và Olympic chúng ta không có khả năng lấy được nhiều huy chương vàng, nhưng chúng ta phải hướng tới nhóm môn này, phải phấn đấu có huy chương cao nhất. Thì cái đó mới đánh giá đúng sự phát triển của chúng ta. Và điều này cũng đồng nghĩa khi chúng ta lấy được huy chương vàng Asiad và Olympic thì chắc chắn ở đấu trường khu vực chúng ta sẽ có huy chương vàng.

*VOH: Cảm ơn ông!