Chợ truyền thống ế ẩm, vắng khách

(VOH) - Tính đến nay, đã có hơn 120/234 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM được mở cửa trở lại.

Dự kiến, các chợ còn lại cũng sẽ được mở cửa sau khi xem xét mức độ an toàn. Dù vậy, người dân đến mua ở các chợ truyền thống đến thời điểm này vẫn còn thưa thớt, ở sâu trong lồng chợ, các sạp đều rất vắng khách.

Để kế hoạch mở cửa trở lại an toàn, UBND Thành phố Thủ Đức yêu cầu các phường trên địa bàn khẩn trương rà soát tình hình, tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 cho tiểu thương. Đồng thời khuyến khích, vận động khách đi chợ và tiểu thương thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19...

Tính đến ngày 23/10, trên địa bàn Thành phố Thủ Đức đã có 19 chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Dự kiến đến ngày 30/10, tất cả các chợ trên địa bàn Thành phố Thủ Đức sẽ được hoạt động.

cho-truyen-thong-e-am-vang-khach-voh.com.vn-anh1
Tính đến nay, đã có hơn 120 chợ trong số 234 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM được mở cửa trở lại. (Ảnh minh họa: SGGP)

Mở cửa trở lại từ ngày 15/10, chợ Bắc Ninh, Thành phố Thủ Đức, người đi chợ rất thưa thớt. Nếu trước đây chưa có dịch thì lượng khách đến mua chen chúc, kín cả lối đi, chợ lúc nào cũng tấp nập. Nay, dù chợ đã mở cửa sau hơn 10 ngày rồi nhưng rất vắng khách, chỉ có những sạp mặt tiền bên ngoài chợ, khách ghé tạt qua mua tiện hơn nên bán được hơn các sạp bên trong.

Chị Nguyễn Thị Thìn, bán cá ở khu vực được coi là khá thuận tiện, cho hay: “Chợ mới mở gần đây, buổi sáng bán được chút chứ chiều vắng lắm! Như tôi thì bán được 50% nhưng các sạp khác thì tôi không biết, vì những mặt hàng này thì người dân cần".

Chợ ế ẩm, các tiểu thương trong lồng chợ ngồi ngó ra. Buổi sáng, một số ki-ốt mở sạp nhưng do không có khách nên buổi chiều đa số các ki-ốt đều đóng cửa, lác đác chỉ một vài sạp mở bán. Một số sạp đang để bảng cho thuê lại.

Cuối chợ Bắc Ninh, chỉ một lối đi mà có đến 4 sạp treo biển trả mặt bằng, sang sạp. Bà Vũ Thị Nga chỉ mớ rau từ sáng đến chiều còn nguyên không ai mua, than thở: “Ế lắm, ế lắm, ngoài đường họ bán nhiều trong này không có ai mua gì hết, có chừng này đồ sáng giờ còn nguyên. Chỗ này đi thuê 10 triệu/tháng. Ngoài đường họ cũng thành cái chợ, bán nhiều quá nên trong này ế đâu có bán được đâu. Các sạp không có người mua họ chán để vậy đó, bán không có lời”.

Tương tự, tình trạng không có khách ghé mua cũng rơi vào các sạp bán trứng gia cầm, gia vị, còn các sạp bán cá trong lồng chợ thì không ai mở bán. Chị Vũ Thị Hoạt, sạp bán trứng cho biết: “Nhiều người sợ dịch nên mua ngang đường chút xíu thôi. Vô chợ kêu khai báo các thứ người ta lười, nhưng vô chợ an toàn hơn. Ban quản lý yêu cầu giữ khoảng cách, không như ngoài đường, không được đông đúc. Buôn bán tranh thủ bán nhanh, không tụ tập đông. Chợ 100% đã tiêm 2 mũi hết rồi”.

Chợ Thủ Đức được mở cửa trở lại từ ngày 20/10, khách vắng hoe. Do ít khách nên nhiều tiểu thương cũng chưa mở bán trở lại. Rất nhiều sạp quần áo còn đóng kín cửa. Chị Nguyễn Thị Thu Ngọc, bán quần áo tại đây cho hay: “Có một số khách quen có số điện thoại, mình có ít hàng thì bán chứ chợ đóng cửa cũng không vô lấy được. Giờ thì cũng vắng, người mua cũng có nhu cầu cần thay mới đồ, nên cũng có khách, khoảng 50%. Vui cũng vui nhưng cũng lo cho sức khỏe nên cố gắng giữ khoảng cách, sát khuẩn…”.

Còn tại chợ Bình Thới, quận 11, tiểu thương đã quay lại buôn bán, tuy nhiên, sức mua của người dân còn khá yếu. Ban quản lý chợ cho biết, kế hoạch hoạt động của chợ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 1/10 đến 22/10 với 50% tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu hoạt động, giai đoạn 2 từ 22/10 đến 22/11, dự kiến 100% tiểu thương hoạt động nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Chợ truyền thống Hóc Môn cũng hoạt động trở lại từ ngày 25/10. Do mới mở cửa trở lại nên lượng khách đến chưa nhiều. Mặt khác, tình trạng buôn bán bên ngoài tràn lan nên khách cũng ít vào chợ.

Lời kêu cứu của các tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn

Bà Nguyễn Tuyết Nhung, Trưởng ban quản lý chợ truyền thống, huyện Hóc Môn cho biết: “Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của huyện, sau khi đánh giá lại thực tế triển khai thì sẽ mở dần dần, tiến tới là mở cửa trở lại. Ban quản lý chợ sẽ cùng với tiểu thương, để làm sao đảm bảo điều kiện an toàn nhất để thu hút khách hàng đến đây”.

Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, trước đây chỉ là điểm trung chuyển hàng hóa, thì nay, 50% các điểm kinh doanh rau củ quả thịt đã hoạt động trở lại. Mỗi đêm, có khoảng trên 400 tấn nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành được tập kết, giao dịch trực tiếp tại đây.

Theo phương án mở lại hoạt động chợ đầu mối đã được UBND huyện Hóc Môn thống nhất, trước mắt, giai đoạn từ ngày 20/10 đến 10/11, sẽ đưa vào hoạt động khoảng 153 sạp, khoảng 50% các điểm kinh doanh rau, củ, quả và trái cây và 50 sạp với khoảng 50% các điểm kinh doanh nhà lồng cho thịt, khu pha lốc.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn và quản lý kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn thông tin thêm: “Lượng hàng về đây, tất cả đều đi qua cổng kiểm dịch. Suốt thời gian qua, chúng tôi làm điểm trung chuyển, từ ngày 21/10 đến nay cũng buôn bán kinh doanh, cũng chưa có trường hợp nào lây nhiễm bệnh ở chợ”.

Ế ẩm, vắng khách là tình trạng chung của các chợ truyền thống hiện nay. Do tình hình dịch vẫn còn nên người dân vẫn còn tâm lý sợ đến chỗ đông người. Hơn nữa, người dân chọn mua chỗ nào thuận tiện nhất, đi nhanh, về nhanh do sợ lây dịch bệnh. Ít người vào chợ để mua. Tại các chợ hiện nay, người dân đi chợ đều ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn; Người bán thì đều dựng tấm chắn, giữ khoảng cách với khách, tiêm vắc xin 2 mũi.

Theo Sở Công Thương TP, hiện các chợ trên địa bàn TPHCM cung ứng hàng hóa bình quân 6.000 tấn/ngày. Trong đó, 3 trạm trung chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối bình quân nhận về khoảng 1.700 tấn hàng mỗi đêm.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM thông tin, chỉ từ ngày 20/10 đến sáng 21/10, có 5.900 tấn hàng hóa được cung ứng cho thị trường Thành phố. Hàng hóa được đưa về điểm tập kết trung chuyển tại 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày.

Cụ thể, trước ngày 1/10, mỗi ngày đêm các điểm này chỉ trung chuyển trên dưới 1.000 tấn hàng thì nay đã lên đến gần 1.800 tấn. Số chợ truyền thống được mở cửa cũng tăng lên hơn một nửa so với chợ đang hoạt động tính đến thời điểm này.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM lưu ý: “Chúng ta cũng đã có bộ tiêu chí an toàn để hướng dẫn cho chợ truyền thống chuẩn bị và mở cửa lại khi đảm bảo các yêu cầu. Hiện nay một số chợ truyền thống của các quận, huyện đã chuẩn bị xong và có lộ trình mở cửa để phục vụ cho người dân. Do đó, mọi sinh hoạt của người dân trong không gian công gian công cộng này phải hết sức chú ý”.

Để mở cửa trở lại, các chợ đều có phương án hoạt động phòng chống dịch an toàn, tuân thủ các điều kiện hoạt động như tiểu thương và khách hàng phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày, là F0 khỏi bệnh dưới 6 tháng… Ngoài ra, còn có những điều kiện như: có lối ra, lối vào riêng tránh ùn ứ, có vách ngăn giữa các quầy hàng, giữa người bán với khách hàng, giữ khoảng cách và kiểm soát được số người ra vào chợ…