Chồng chất khó khăn trong xử lý nợ xấu

(VOH) - Trong khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn đang chật vật với số nợ xấu mua về thì nợ xấu trong hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây lại có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy, chặng đường xử lý nợ xấu vẫn còn gian nan.

Nhiều ngân hàng chật vật vì nợ xấu (Ảnh minh họa: internet)

Nợ xấu tiếp tục tăng

Theo báo cáo công bố kết quả kinh doanh quý II/2016 của hầu hết các ngân hàng thương mại đều ghi nhận sự gia tăng về con số nợ xấu. Chỉ tính riêng 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đã có hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2015.

Cụ thể, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối 2015 lên 2% vào cuối tháng 6/2016, tương ứng tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ mức 1,86% vào cuối năm 2015 lên 5,3% vào cuối quý 2/2016 với gần 4.300 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ.

Tại Sacombank, nợ xấu cũng tăng mạnh, từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.

Nợ xấu tăng, bên cạnh khó khăn do tăng trưởng kinh tế chậm lại, một nguyên nhân khác là do các khoản nợ đã từng được cơ cấu lại nay phải lộ diện.

Quyết định 780 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ. Như vậy, có một lượng dư nợ đáng lý đã là nợ xấu nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và đến nay khi hết thời hạn cơ cấu lại thì đã được ghi nhận chuyển nhóm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm câu lạc bộ pháp chế ngân hàng, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, cho rằng: “Bây giờ kéo dài ra mà vẫn không trả được nợ thì khả năng mất vốn, nhóm nợ sẽ bị tăng cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, đến an toàn của hệ thống ngân hàng và thể hiện nợ xấu chưa được giải quyết thực chất, triệt để. Trên thực tế, thời gian qua mới giải quyết ở phần kỹ thuật, ở một số khoản bằng những động tác mua bán hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Cho đến nay nợ xấu được xử lý chủ yếu theo ba kênh: từ phần bán qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ nguồn lực trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng và từ phần thu hồi được. Trong điều kiện không được sử dụng tiền ngân sách Nhà nước, nếu đẩy nhanh được quá trình và mức độ thu hồi, nợ xấu sẽ xử lý nhanh hơn và thực chất hơn.

Trong khi đó, công cụ xử lý nợ xấu của VAMC chưa phát huy được hiệu quả trong giải quyết nợ. Từ khi hoạt động vào năm 2013 đến nay, VAMC đã mua được 251.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng mới thu hồi nợ lũy kế đến thời điểm này đã được 34.000 tỷ đồng, tương đương 15% khối lượng mua vào. Năm 2016, VAMC đặt kế hoạch phối hợp cùng tổ chức tín dụng thu hồi được 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm thì mới thu được 11.000 tỷ đồng, tức chỉ đạt khoảng 35% kế hoạch.

Vướng mắc thị trường mua bán nợ xấu

Hiện nay trên thị trường hoạt động kinh doanh nợ chủ yếu có VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) - Thuộc Bộ Tài chính và khoảng 28 Công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại (AMC).

Tuy nhiên, các Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng hoạt động còn nhiều hạn chế. Như vậy, việc mua bán nợ xấu chủ yếu trên thị trường là VAMC và Công ty mua bán nợ Việt Nam.

Vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch thành viên Chủ tịch hội đồng thành viên VAMC, phân tích, thị trường mua bán nợ hiện nay chưa có trong khi VAMC chỉ được mua nợ xấu theo giá thị trường đối với những khoản nợ đã bán bằng trái phiếu đặc biệt và những khoản nợ xấu nội bảng.

Những khoản nợ này phần lớn là các tổ chức tín dụng chưa trích dự phòng rủi ro hoặc trích rất ít, cho nên bán đi một khoản nợ theo giá thị trường thì hiện thực hóa ngay 1 khoản lỗ.

“Thứ nhất, tổ chức tín dụng phải trích dự phòng rủi ro ngay nhưng lại không có tổ chức tín dụng nào trích dự phòng đủ và kịp thời ngay một lúc nếu bán nhiều khoản nợ. Thứ hai, tổ chức tín dụng không trích lập dự phòng rủi ro thì VAMC phải đảm bảo làm sao mua nợ là phải có lãi. Như vậy, cả tổ chức tín dụng, cả VAMC phải tính toán hiệu quả của khoản nợ đó. Tất nhiên, quan điểm của VAMC là không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng cũng phải bảo đảm bảo toàn được vốn, cho nên việc này gặp nhau ở 1 điểm cũng là vấn đề khó” – ông Hùng cho biết.

Giải pháp tháo gỡ?

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết thực chất nợ xấu thì không chỉ cố gắng của ngành ngân hàng là đủ mà cần sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành có liên quan.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Đây là vấn đề không còn riêng của Ngân hàng Nhà nước, mà vấn đề bài toán kinh tế vĩ mô, phải giải quyết đồng bộ và phải giải quyết dứt điểm trong kế hoạch 5 năm này”.

Ngay từ đầu năm, cùng với Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chỉ thị 02 về xử lý nợ xấu cũng được công bố. Tiếp đó đến tháng 5, Thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành Chỉ thị 04, trong đó có những giải pháp và chỉ đạo cụ thể đối với các tổ chức chức tín dụng để đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Điều này cho thấy, vấn đề xử lý nợ xấu tiếp tục là trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: “Vấn đề xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải xây dựng phương án và báo cáo Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý nợ xấu.

 Thống đốc cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng để làm sao mà mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh. Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các biện pháp về trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đối với việc xử lý nợ xấu qua VAMC thì vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện để có thể kiểm soát được nợ xấu dưới mức 3%”.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 69 về điều kiện kinh doanh đối với các tổ chức mua bán nợ. Kỳ vọng, Nghị định sẽ giúp thị trường mua bán nợ sôi động hơn, thay vì chỉ có VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam và Công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.

Trong đó, tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 618 cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua – bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ, xử lý các khoản nợ xấu đã mua.

Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19 về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, thông tư đã trao cơ chế chủ động và trao quyền nhiều hơn VAMC trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu.