Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Long An, cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand và Cơ quan Thương vụ tại Australia phối hợp tổ chức.
Long An hiện có khoảng 350 ngàn tấn/năm thanh long. Tỉnh cũng đã xây dựng nhiều giải pháp để phát triển vùng trồng thanh long bền vững theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và cung cấp đơn hàng quanh năm. Ngoài thanh long ruột trắng thì chủ lực của thanh long Long An là ruột đỏ.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng phát triển thêm nhiều loại như: Thanh long tím hồng, vỏ vàng ruột trắng chứa rất nhiều dinh dưỡng phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thanh long Long An chủ yếu xuất khẩu dạng trái tươi, ngoài ra cũng còn một số sản phẩm chế biến khác như thanh long sấy khô, sấy dẻo, bột thanh long, rượu thanh long, nước ép thanh long.
Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An thông tin thêm: “Long An hiện nay đang phát triển rất nhiều loại nông sản để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, thanh long là một trong 4 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Chúng tôi cũng đã có hiệp hội thanh long với 100 thành viên gồm các doanh nghiệp của Long An, Tiền Giang có năng lực kho và sơ chế để xuất khẩu. Long An có 54 mã vùng trồng và 133 cơ sở đóng gói để xuất khẩu. Đặc biệt, có nhà máy xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng với công suất 12 ngàn tấn/năm, đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu vào mợt số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng”.
Nói thêm về thị trường của Úc, đại diện thương vụ Việt Nam tại Autralia cho biết, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Úc tăng 23% so với năm 2020, đạt 4,45 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu rau quả tăng hơn 28%, đạt hơn 82 triệu đô la Mỹ. Riêng xuất khẩu thanh long năm 2020 tăng trưởng tới 36%, năm 2021, thanh long xuất khẩu tăng 14% và đạt 4,8 triệu đô la Mỹ. Về điều kiện xuất khẩu thanh long vào thị trường Úc, bà Nguyễn Thu Hường, đại diện thương vụ Việt Nam tại Autralia cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam: “Trước khi xuất khẩu thanh long vào Úc, chúng ta cần có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ nông nghiệp nguồn nước và môi trường Úc cấp, giấy phép này có thể khai báo online trên trang web của Bộ nông nghiệp nguồn nước và môi trường Úc. Xuất khẩu thanh long phải được Cục bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận vận chuyển thực vật. Thanh long tươi trước kia vận chuyển phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% tại Cục bảo vệ thực vật Việt Nam phê duyệt, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải được gởi kèm theo mỗi chuyến hàng. Ngoài ra, các yếu tố bao bì đóng gói cũng cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định”.
Việt Nam hiện đã có giấy phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand 3 loại quả tươi là xoài, thanh long và chôm chôm. Hiện, Bộ Các ngành cơ bản của New Zealand đang hoàn tất thủ tục để quả chanh xanh và bưởi của Việt Nam có thể sớm có mặt trên thị trường nước này. Ông Nguyễn Văn Trung - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại New Zealand cho biết: “Tại các cuộc tiếp xúc cấp cao, Việt Nam cũng luôn đề xuất và New Zealand cũng sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng thương hiệu quốc tế để thương mại hóa toàn cầu quả thanh long, lấy kinh nghiệm từ quả Kiwi của New Zealand mà toàn thế giới đều được biết đến”.