Xuất khẩu Trung Quốc trong 2 năm vừa qua phần lớn được hưởng lợi từ nhu cầu về các sản phẩm vật tư y tế để chống lại dịch Covid-19 của thế giới, chẳng hạn như khẩu trang, hoặc thiết bị làm việc từ xa, nhưng nhu cầu này ngày càng giảm dần.
Trong những tuần gần đây, gã khổng lồ châu Á còn phải đối mặt với đợt tái bùng phát dịch tồi tệ nhất, hàng triệu cư dân ở thành phố kinh tế Thượng Hải đã bị phong tỏa gấp rút vào cuối tháng 3.
Những hạn chế này vẫn chưa được dỡ bỏ và đang gây khó khăn cho các chuỗi cung ứng, khi cảng Thượng Hải là cảng xuất nhập quan trọng đối với hàng hóa ở Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, Trung Quốc công bố các số liệu thương mại tháng 4 ở mức trung bình.
Xuất khẩu trong tháng qua của Trung Quốc tăng ở tốc độ thấp nhất trong gần hai năm (tăng 3,9%). Các chuyên gia phân tích được Bloomberg thăm dò ý kiến, đã cho dự đoán một mức giảm rõ rệt là 2,7%, sau khi tăng 14,7% trong tháng 3.
Đây là kết quả kém nhất của lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc kể từ tháng 6/2020 (tăng 0,5%).
Bên cạnh đó, nhập khẩu Trung Quốc cũng không có mức tăng trưởng nào so với cùng kỳ trong tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ này tốt hơn so với tháng 3 (giảm 0,1%) và cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích (giảm 3%).
Năm 2021, nhập khẩu Trung Quốc đã tăng 43,1%, trong bối cảnh kinh tế kịp đà hồi phục sau khi các hoạt động bị tê liệt trong đợt dịch bệnh đầu tiên vào đầu năm 2020.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên lực lượng hải quan Trung Quốc Li Kuiwen cho thấy sự lạc quan khi nói rằng nền kinh tế Trung Quốc với "các tín hiệu tích cực về mặt cơ bản" có khả năng sẽ sớm phục hồi.
Các chuyên gia thì hoài nghi hơn với triển vọng này.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia phân tích của Capital Economics cho biết: "Hy vọng xuất khẩu tăng lên sau khi dịch bệnh kết thúc có khả năng bị tiêu tan."
"Ngược lại, một sự suy giảm mới có thể diễn ra trong những quý tới", Evans-Pritchard dự đoán, lập luận rằng việc dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế y tế của nước ngoài đưa đến việc nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc sụt giảm.
Đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu vẫn là một trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc khi sức tiêu thụ đang suy giảm vì dịch bệnh bùng phát và lĩnh vực bất động sản cũng đang gặp khủng hoảng.
Còn về nhập khẩu, theo nhà kinh tế Zhiwei Zhang thuộc công ty Pinpoint Asset Management, sự yếu kém trong nhập khẩu phản ánh tốc độ "phục hồi sản xuất khá chậm chạp" ở Trung Quốc do "sự gián đoạn" trong việc vận chuyển các bộ phận và linh kiện trong ngành công nghiệp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo chính sách zero Covid của Trung Quốc, liên quan đến việc đóng cửa và test sàng lọc quy mô lớn quá nhiều lần, đang gây không ít tốn kém cho nền kinh tế nước này.
Tháng trước, hàng chục triệu người Trung Quốc đã bị phong tỏa ở phía Đông Bắc của nước này, nơi được cho là cái nôi của ngành công nghiệp ô tô. Hiện tại, khi các hạn chế đã được dỡ bỏ, nơi này còn nhiều khó khăn để hoạt động trở lại bình thường.
Tuy vậy, trong tháng 4 thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 51,1 tỷ USD (48,6 tỷ euro) so với tháng 3 là 47,38 tỷ USD.