Chờ...

Thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu phong tỏa vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng

(VOH) - Ngày 28/3, Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu triển khai kế hoạch phong tỏa từng phần toàn thành phố để ngăn chặn Covid-19.

Siêu đô thị Thượng Hải là trung tâm tài chính chủ lực và là thành phố lớn nhất Trung Quốc với dân số 25 triệu dân. Theo kế hoạch, Thượng Hải sẽ tiến hành phong tỏa theo 2 giai đoạn trong vòng 9 ngày để thực hiện xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng toàn thành phố.

Chính quyền thành phố vẫn tìm cách phòng dịch mà không phải phong tỏa toàn bộ thành phố vi những lo ngại ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Giới chức nhấn mạnh cần phải duy trì hoạt động của thành phố cảng cũng như đảm bảo chức năng trung tâm tài chính không bị gián đoạn.

Theo Tân Hoa xã, từ ngày 28/3 đến ngày 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố.

Các phương tiện giao thông công cộng sẽ tạm thời ngừng hoạt động. Công xưởng, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất hoặc chuyển qua hình thức làm việc từ xa.

Ở những vùng phong tỏa, các biện pháp chủ yếu được áp dụng ở các cộng đồng, khu dân cư. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà, hoạt động giao hàng thiết yếu không tiếp xúc được phép diễn ra.

Chính quyền thành phố Thượng Hải cũng đã đăng tải các hướng dẫn và quy định cụ thể của lệnh phong tỏa lên tài khoản WeChat chính thức, trong đó yêu cầu người dân “hỗ trợ, thấu hiểu và hợp tác với công tác phòng chống dịch của thành phố”.

Thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu phong tỏa vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng
Đường phố Thượng Hải vắng vẻ vì lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 28/3/2022. Ảnh: Reuters
Thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu phong tỏa vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng
Người dân xếp hàng dài chờ đợi xét nghiệm Covid-19 bên ngoài một bệnh viện ở Thượng Hải, đêm 27/3/2022. Ảnh: Reuters

Thực tế, các lệnh phong tỏa vẫn được triển khai tại các tỉnh thành khác trên khắp Trung Quốc suốt từ đầu mùa dịch đến nay; nhưng Thượng Hải là thành phố có dân số đông nhất từng áp dụng lệnh phong tỏa từ trước đến nay.

Thượng Hải cũng là thủ phủ thương mại - tài chính của Trung Quốc, đồng thời là thành phố lớn nhất cả nước. Việc phong tỏa Thượng Hải là một quyết định khó khăn, khi đây hiện là điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 tại đất nước tỷ dân này.

Hiện Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, chủ yếu do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Dù các dữ liệu ghi nhận về số ca mắc không nhiều như ở các nước khác nhưng cũng là mức cao nhất từng được ghi nhận.

Thách thức đối với chính sách “zero-Covid”

Số ca nhiễm gia tăng đáng kể gần đây ở Trung Quốc - dù so ra vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác - là những thách thức thật sự với chiến lược “zero-Covid” mà quốc gia này đang áp dụng. Theo đó, Trung Quốc quyết kéo giảm xuống mức thấp nhất là không còn người nào nhiễm bệnh bằng việc nhanh chóng triển khai các lệnh phong tỏa và các quy định hạn chế, giãn cách xã hội mỗi khi có ca nhiễm mới.

Chính sách này của Trung Quốc đang đi ngược lại với phần lớn các nước khác trên thế giới - khi hầu hết các quốc gia đều đã quyết định mở cửa, thích ứng và sống chung an toàn với virus.

Thêm vào đó, việc biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng nhưng người mắc bệnh thường có triệu chứng nhẹ đã làm dấy lên câu hỏi liệu chính sách “zero-Covid” mà Trung Quốc đang theo đuổi có phù hợp để áp dụng trong thời gian dài hay không.

Nhiều người dân Thượng Hải than phiền về việc xét nghiệm Covid-19 liên tục và dường như là “vô tận”, cho rằng các chi phí liên quan để theo đuổi “zero-Covid” là quá lớn.

Ngày 27/3, Trung Quốc thông báo hơn 4.500 ca mắc mới trong nước, giảm khoảng 1.000 ca so với ngày trước đó nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trung bình số ca mắc mới thường chỉ ghi nhận ở mức hai con số tại nước này trong suốt hai năm qua.