Giá cà phê hôm nay tại một số vùng trọng điểm đã chững lại sau đà giảm liên tiếp nhiều ngày, giá cà phê cao nhất tại Đắk Lắk và Gia Lai là 35.200 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 34.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê ở huyện Bảo Lộc ổn định ở mức 34.600 đồng/kg, giá cà phê tại huyện Di Linh và huyện Lâm Hà là 34.500 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk, ở huyện Cư M'gar giá cà phê cũng đi ngang ở mức 35.200 đồng/kg, huyện Buôn Hồ là 35.100 đồng/kg.
Tương tự giá cà phê tại Ia Grai của tỉnh Gia Lai đứng giá ở mức 35.200 đồng/kg
Tại Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa giá cà phê không đổi so với hôm qua là 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Kon Tum, huyện Đắk Hà giá cà phê tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 35.100 đ/kg.
Giá cà phê giao tại cảng TPHCM hôm nay cũng đứng giá bằng hôm qua là 36.700 đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Tây nguyên đón mùa cà phê buồn
Hàng ngàn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây nguyên đang khốn đốn khi giá cà phê giảm, lại mất mùa.
Tây nguyên với trên dưới 500.000 ha cà phê, chiếm trên 95% diện tích cả nước. Vùng chuyên canh cà phê lớn nhất Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như cà phê già cỗi, giá giảm và mất mùa trong niên vụ này. Theo nhiều nông dân trồng cà phê, năng suất niên vụ này ở nhiều nơi có thể giảm đến 1/3. Trung bình mỗi héc ta cà phê có năng suất từ 3 - 4 tấn nhân/ha.
Tính trung bình, mỗi héc ta cà phê nông dân phải đầu tư khoảng 50 - 70 triệu đồng tiền phân bón, công chăm sóc. Nếu giá tốt sẽ có lời vài chục triệu đồng/ha. Với năng suất như niên vụ này, nhiều nông dân cho biết họ bị thất thu.
Thời điểm này, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên dao động khoảng 34 - 35 triệu đồng/tấn. Cùng thời điểm này năm trước, giá cà phê lên đến suýt soát gần 40 triệu đồng/tấn.
Những ngày này cà phê bắt đầu chín. Việc thu hái cũng được tiến hành nhưng lại gặp tình trạng nguồn nhân công khan hiếm. Mấy năm trước tiền công 800.000 - 850.000 đồng/tấn. Năm nay tiền công cao hơn, lên đến gần cả triệu đồng/tấn. Vậy nhưng cà phê chín ngoài vườn rồi mà gọi nhân công không ra.
Đặc biệt, sau trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 8 vừa qua, nhiều vườn cà phê ở Tây nguyên đang chuẩn bị bung hoa. Nếu không thu hái kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản lượng niên vụ tới. Đây là bài toán không dễ tìm lời giải của hàng chục ngàn nông dân Tây nguyên trồng cà phê.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của cơn bão tới Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam và đang trong giai đoạn thu hoạch vụ 2018 – 2019.
Theo ước tính của giới thương lái, nông dân Tây Nguyên hiện mới thu hoạch được 20- 30% diện tích cà phê và phải tới cuối tháng 12, công tác thu hoạch mới kết thúc.
Trong 10 ngày giữa tháng 11, giá cà phê trong nước giảm do nguồn cung dồi dào. So với ngày 9/11 giá cà phê robusta nhân xô giảm 0,6 - 2,2% và giảm từ 5,1 - 5,6% so với ngày 19/10.
Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 11/2018 đạt 66 nghìn tấn, trị giá 124,45 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 10/2018, tăng 48,2% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 15 ngày đầu tháng 11/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt 1.885 USD/tấn, tăng 6,2% so với 15 ngày đầu tháng 10/2018, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.893 USD/tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá cà phê thế giới trái chiều
Trên thị trường thế giới, 10h30 ngày 24/11 giá cà phê robusta giao tháng 1/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) tăng 1 USD/tấn, tương đương 0,12% lên mức 1.611 USD/tấn, giá cà phê giao tháng 3/2019 giảm 2 USD/tấn, tương đương 0,06% về mức 1.617 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn (ICE Futures US) 10h30 sáng nay giảm 2,86% về mức 1.071USD/tấn, giá giao tháng 3/2019 giảm 2,76% về mức 1.109 USD/tấn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 ngày giữa tháng 11, giá cà phê robusta và arabica trên thị trường thế giới giảm so với 10 ngày đầu tháng 11.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay giá cà phê toàn cầu giảm do nguồn cung dồi dào khi Việt Nam, Mexico và khu vực Trung Mỹ vào vụ thu hoạch mới và tồn kho ở mức cao.
Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê niên vụ 2017 - 2018 đạt 163,5 triệu bao, tăng 4,8% so với vụ 2016 - 2017. Lượng tiêu thụ đạt 161,9 triệu bao, dư thừa 1,6 triệu bao.
Lượng hàng tồn kho trên sàn giao dịch New York là 2,78 triệu bao và trên sàn London là 1,58 triệu bao.
Trong khi đó, hiện tại Việt Nam đã thu hái xong khoảng 20 - 30% sản lượng cà phê, thời tiết thuận lợi tại khu vực Tây Nguyên giúp nông dân phơi khô cà phê, kịp thời cung ứng ra thị trường.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10 ghi nhận mức cao kỷ lục, đạt 3,45 triệu bao, tăng 33% so với cùng kì năm trước.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương Ấn Độ, nhập khẩu cà phê của nước này trong 9 tháng năm 2018 đạt 66 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 4,5% về trị giá so với 9 tháng năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng 31,7% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Với tốc độ tăng trưởng 2 con số, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng từ 59,8% trong 9 tháng năm 2017, lên 70,4% trong năm 2018.