Giá thép Trung Quốc giảm hơn 2,5% vào hôm qua 24/11, loại bỏ những tác động tích cực từ đà giảm của dự trữ thép và đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3, khi nhà đầu tư tỏ ra lo ngại các giới hạn sản lượng ít nghiêm ngặt hơn trong mùa đông năm nay sẽ dẫn tới tình trạng dư cung.
Ảnh minh họa: internet
Dự trữ sản phẩm thép giảm tuần thứ 7 liên tiếp trong tuần kết thúc vào ngày 23/11, giảm 203.100 tấn so với tuần trước xuống 8,41 triệu tấn, dựa trên dữ liệu từ Mysteel. Dự trữ chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1.
Dự trữ thanh cốt thép giảm 3,3% xuống 3,07 triệu tấn, còn dự trữ thép cuộn cán nóng lùi 1,9% xuống 2,1 triệu tấn.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/11), giá thanh cốt thép giảm mạnh 2,6% xuống 3.623 nhân dân tệ/tấn (tương đương 522,02 USD/tấn), và mất 5,6% trong tuần qua, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.
Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá than luyện cốc tương lai giảm 1,8% xuống 1.340,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 192,90 USD/tấn). Hợp đồng than cốc giao tháng 1/2019 cũng giảm 3,7% xuống 2.188 nhân dân tệ/tấn (tương đương 314,85 USD/tấn).
Giá quặng sắt tương lai khép phiên tại mức 497 nhân dân tệ/tấn (tương đương 71,52 USD/tấn), giảm mạnh 4,6%.
Tỷ lệ sử dụng hàng tuần tại các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm so với tuần trước xuống 67,54% tính tới ngày 23/11, bị kìm hãm bởi lệnh giới hạn sản lượng tạm thời.
Hôm thứ Tư 21/11, tỉnh sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, Hà Bắc, đã đưa ra cảnh báo khói bụi cấp độ 2 tới 10 thành phố thuộc tỉnh này, yêu cầu các nhà máy sản xuất thép cắt giảm sản lượng từ ngày 22/11, bên cạnh lệnh giới hạn sản lượng trong mùa đông – vốn có hiệu lực từ giữa tháng 11 cho tới giữa tháng 3/2019.
Không như mùa đông trước, Trung Quốc cho phép các thành phố và các tỉnh tự thiết lập mức giới hạn sản lượng trong năm nay dựa trên mức độ khí thải.
Nguồn cung thép cuộn cán nguội trong nước sẽ dồi dào hơn
Cùng với nhà máy Formosa hiện có, việc nhà máy Dung Quất của Hòa Phát sắp đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp thép Việt Nam cả về nguồn cung và phòng vệ thương mại.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), điều này giúp giảm phụ thuộc vào HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời làm tăng sức cạnh tranh các doanh nghiệp nội địa và quan trọng hơn là tránh được các loại thuế chống lẩn tránh của các quốc gia đang áp lên sản phẩm tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam.
Thị phần của thép xây dựng tập trung chủ yếu vào các ông lớn như Hòa Phát, Pomina, Formosa, Posco và các doanh nghiệp liên quan với VNSteel như VinaKyoei, TISCO.
Trong khi đó, tỷ trọng tiêu thụ ống thép trong 10 tháng đầu năm chủ yếu là trong nước. Tổng sản lượng tiêu thụ của phân khúc sản phẩm này khá thấp nếu so sánh với thép xây dựng và tôn mạ, chỉ khoảng xung quanh 200 nghìn tấn/tháng.
Theo nhận định chung, thị trường thép Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 vẫn duy trì tích cực với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 28% so với năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ nội địa tăng 27% và xuất khẩu tăng 33%.
Nhu cầu yếu, sức tiêu thụ chậm, để khuyến khích các nhà sản xuất thép xây dựng phía Bắc đã áp dụng các chương trình chiết khấu khiến giá thép trên thị trường giảm và phổ biến từ 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với tháng 9, tùy theo từng chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam giá tương đối ổn định. Dự báo, từ nay tới cuối năm, thị trường thép trong nước ổn định.