Giá cà phê hôm nay tại một số vùng trọng điểm tiếp đà đi ngang, giá cà phê cao nhất tại Đắk Lắk là 35.200 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 34.500 đồng/kg.
Cụ thể, tại Lâm Đồng giá cà phê ở huyện Bảo Lộc ổn định so với cuối tuần và ở mức 34.600 đồng/kg, giá cà phê tại huyện Di Linh và huyện Lâm Hà là 34.500 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đắk Lắk, ở huyện Cư M'gar giá cà phê cũng đi ngang ở mức 35.200 đồng/kg, huyện Buôn Hồ là 35.100 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, huyện Gia Nghĩa giá cà phê không đổi so với cuối tuần là 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Kon Tum, huyện Đắk Hà giá cà phê giảm 100 đồng/kg còn 35.000 đ/kg.
Tương tự giá cà phê tại Ia Grai của tỉnh Gia Lai giảm 100 đồng/kg về mức 35.100 đồng/kg
Giá cà phê giao tại cảng TPHCM hôm nay vẫn đi ngang so với cuối tuần qua là 36.700 đồng/kg.
Ảnh minh họa: internet
Tây nguyên với trên dưới 500.000 héc ta cà phê, chiếm trên 95% diện tích cả nước. Vùng chuyên canh cà phê lớn nhất Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như cà phê già cỗi, giá giảm và mất mùa trong niên vụ này.
Theo nhiều nông dân trồng cà phê, năng suất niên vụ này ở nhiều nơi có thể giảm đến 1/3. Trung bình mỗi héc ta cà phê có năng suất từ 3 - 4 tấn nhân/ha
Tuần qua tiếp tục là một tuần giảm giá đối với giá cà phê khu vực Tây Nguyên khi giá giảm 400 đồng/kg. Tính chung toàn miền, giá cà phê dao động trong khoảng 34.500 - 35.200 đồng/kg. Giá cà phê TP HCM tuần qua giảm 400 đồng/kg xuống 36.700 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 ngày giữa tháng 11, giá cà phê robusta và arabica trên thị trường thế giới giảm so với 10 ngày đầu tháng 11.
Giá cà phê thế giới tăng giảm trái chiều
Trên thị trường thế giới, 9h30 ngày 26/11 giá cà phê robusta giao tháng 1/2019 trên sàn Robusta (ICE Futures Europe) tăng 1 USD/tấn, tương đương 0,06% lên mức 1.611 USD/tấn, giá cà phê giao tháng 3/2019 giảm 2 USD/tấn, tương đương 0,06% về mức 1.617 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn (ICE Futures US) 9h30 sáng nay giảm 2,86% về mức 1.071USD/tấn, giá giao tháng 3/2019 giảm 2,76% về mức 1.109 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương Ấn Độ, nhập khẩu cà phê của nước này trong 9 tháng năm 2018 đạt 66.000 tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 12% về lượng, nhưng giảm 4,5% về trị giá so với 9 tháng năm 2017.
Trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng 31,7% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, với tốc độ tăng trưởng 2 con số, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng từ 59,8% trong 9 tháng năm 2017, lên 70,4% trong năm 2018.
Cục nhận định Ấn Độ là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành cà phê Việt Nam. Nhập khẩu cà phê của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê rang xay duy trì ở mức cao, đặc biệt tỷ lệ cà phê hòa tan trong những năm gần đây đã có sự điều chỉnh phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi.
Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng của người dân Ấn Độ đã có sự thay đổi, cà phê hiện đã có sức cạnh tranh với trà, thức uống đã từng chiếm ưu thế trong đời sống sinh hoạt của người dân nước này. Ngoài ra, ngày càng có nhiều gia đình sử dụng các loại đồ uống có sẵn và việc gia tăng thu nhập giúp cho tiêu thụ cà phê tăng nhanh.
Nhập khẩu cà phê của Ấn Độ từ các thị trường Uganda, Indonesia giảm mạnh. Đáng chú ý, nhập khẩu cà phê của Ấn Độ từ Kenya tăng tới 1.698% về lượng nhưng tăng 1.413% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 6.300 tấn, trị giá 9,23 triệu USD.
Thị phần cà phê của Kenya tại Ấn Độ cũng tăng từ mức 0,6% trong 9 tháng năm 2017, lên 9,6% trong 9 tháng năm 2018; trong khi thị phần cà phê của Uganda và Indonesia giảm.
Giá cà phê nhập khẩu bình quân của Ấn Độ 9 tháng năm 2018 ở mức 1,6 USD/kg, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam đạt mức 1,6 USD/kg; Kenya và Uganda đều là 1,5 USD/kg; Indonesia là 1,9 USD/kg.