Cô Nga (quận 4) hơn 60 tuổi cho biết chưa từng quan tâm, đặt hàng trên mạng internet nhưng thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, cô tìm hiểu và đặt hàng trực tuyến. Rõ ràng, từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19, người dân hạn chế đi ra ngoài để phòng tránh dịch, mua sắm online dần trở thành thói quen với người tiêu dùng, đáp ứng những nhu cầu của bản thân. Bắt kịp được xu hướng đó, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng giao/bán đồ ăn online không ngừng cải tiến và xây dựng các chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng.
Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 đang phát triển vượt bậc, Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Tại Việt Nam, có tới 85% người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight vừa công bố cho thấy, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần.
Đặc biệt, người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết, ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Trước đó, theo báo cáo SYNC Đông Nam Á 2021 của Facebook và Bain & Company, tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đã được tiếp cận kỹ thuật số. Việt Nam cũng được kỳ vọng là thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỉ USD vào năm 2026.