Tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh), hơn một tuần trước, giá vải còn ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg thì nay đã giảm còn 35.000 – 45.000 đồng/kg. Những xe lưu động bán vải cũn nhuộm đỏ nhiều góc đường.
Tại các siêu thị, vải cũng là sản phẩm được đặt tại các vị trí ưu tiên, trái vải xuất xứ từ Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), đây là 2 khu vực có sản lượng trái vải lớn, quả to, khi chín có màu đỏ tươi, cùi dày, hạt nhỏ.
Năm ngoái, thị trường trực tuyến khá sôi động với đợt bán vải giá tốt. Năm nay hứa hẹn đây sẽ là kênh tiêu thụ mạnh khi thêm nhiều sàn giao dịch tham gia bán nông sản này.
Hiện nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã vào mùa thu hoạch với sản lượng toàn tỉnh ước tính hơn 180.000 tấn. Tỉnh đã sớm có kế hoạch xúc tiến tiêu thụ, ký kết hợp đồng với đối tác xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu thụ trong nước (dự kiến sẽ xuất khẩu 30%, tiêu thụ trong nước 70%). Thời vụ từ ngày 10/6 đến 20/7/2021.
Mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19 nhưng Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ niên vụ 2021 để tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và đặc biệt là xuất khẩu. Sau Nhật Bản, Singapore…, quả vải Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường châu Âu với những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Ngày 7/6, công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đi châu Âu theo hiệp định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA).