Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 18/2/2021, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 1/2021, tăng 3,4 JPY, ghi nhận ở mức 262,6 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng hơn 4% lên 15.340 CNY/tấn trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản tốt hơn so với dự kiến, tâm lý các nhà đầu tư cũng an tâm khi nước này sắp triển khai chương trình tiêm vaccine phòng chống COVID-19.
Các nhà đầu tư cũng đang đặt cược gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất sẽ sớm được thông qua.
Giá cao su cũng được hỗ trợ do nhu cầu tại Hoa Kỳ hồi phục, khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nền kinh tế hồi phục. Thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu mủ tự nhiên của các nhà máy tăng mạnh do nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch.
Giá cao su tự nhiên tăng tại các thị trường chủ chốt của Kerala do nhu cầu cao hơn từ các nhà sản xuất lốp xe, theo trang Informist.
Mùa khai thác cao điểm đã kết thúc và điều này dấy lên lo ngại về nguồn cung trên thị trường, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ từ người mua trong nước. Bên cạnh đó, việc các hợp đồng dầu thô trên Sàn giao dịch đa hàng hóa của Ấn Độ và Sàn giao dịch thương mại New York ngày càng nhiều hơn cũng hỗ trợ xu hướng tăng giá của mặt hàng cao su.
Trong tháng 2/2021, tâm lý của các nhà sản xuất Nhật Bản đã chuyển biến tích cực hơn do nhu cầu nước ngoài cải thiện, song vẫn thận trọng về đại dịch virus corona.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu cao su sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng so với năm 2019, do nhu cầu cao su của Trung Quốc tăng nhanh sau khi các chính quyền địa phương kích thích sử dụng xe ô tô nhỏ, từ đó thúc đẩy các hãng sản xuất lốp xe tăng sản lượng gấp 3 lần.
Thái Lan thu về hơn 6,4 tỷ USD từ xuất khẩu cao su
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 58,38% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 với 2,68 triệu tấn, trị giá 109,51 tỷ Baht, tương đương với 3,65 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá so với năm 2019.
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, Thái Lan xuất khẩu được 2,66 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 108,91 tỷ Baht, tương đương 3,63 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 15,2% về trị giá so với năm 2019, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 36,73% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 với 978.490 tấn, trị giá 39,61 tỷ Baht, tương đương 1,32 tỷ USD, giảm gần 20% về lượng và giảm 21% về trị giá so với năm 2019.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong năm 2020 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn là Malaysia và Hàn Quốc tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ lại giảm.
Trong năm 2020, xuất khẩu cao su tổng hợp (mã HS 4002) của Thái Lan đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 75,55 tỷ Baht, tương đương 2,51 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng gần 13% về trị giá so với năm 2019, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 91,03% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020, với 1,62 triệu tấn, trị giá 67,4 tỷ Baht, tương đương 2,51 tỷ USD, tăng gần 24% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với năm 2019.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong năm 2020 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Malaysia, Mỹ và Việt Nam giảm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh.