Giá cao su hôm nay 19/2/2021: Giá tại Osaka và Thượng Hải tăng nhẹ

(VOH) – Giá cao su ngày 19/2 tiếp tục tăng do tốc độ giảm giá tiêu dùng chậm lại, cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 19/2/2021, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 1/2021, tăng 0,3 JPY, tương đương 0,1%, ghi nhận ở mức 258,1 JPY/kg.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 19/2/2021: Giá tại Osaka tăng nhẹ 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 165 CNY lên mức 15.450 CNY/tấn.

Trong khi sản lượng cao su ở Trung Quốc giảm do những trận bão lớn ở đảo Hải Nam và hạn hán ở Vân Nam làm ảnh hưởng tới cây cao su.

Giá tiêu dùng của Nhật Bản tính đến tháng 1/2021 đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp, nhưng tốc độ sụt giảm đã chậm lại, khiến các nhà hoạch định chính sách bớt lo lắng về áp lực giảm phát mà nền kinh tế nước này phải đối mặt từ đại dịch Covid-19.

Tại thị trường Ấn Độ, giá cao su giao ngay tiếp tục tăng cao. Nhiều đại lý kỳ vọng giá cao su tấm sẽ sớm vượt ngưỡng 160 rupee/kg vì phần lớn người trồng cao su không muốn bán sản phẩm của mình ở mức thấp.

Theo các thương nhân và Hội đồng Cao su, giá cao su RSS4 được cải thiện lên mức 157 rupee/kg. Tại các đại lý, loại cao su này được báo giá ở mốc 153 rupee/kg.

Trong khi đó, giá cao su ISNR20 có xu hướng đi ngang và ít xuất hiện biến động mới do số lượng giao dịch đang ở mức thấp, theo The Hindu Business Line.

Các nhà đầu tư đang mong muốn gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất sẽ sớm được thông qua.

Giá cao su được hỗ trợ do nhu cầu tại Hoa Kỳ hồi phục. Thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu mủ tự nhiên của các nhà máy tăng mạnh do nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch.

Giá cao su hôm nay 19/2/2021: Giá tại Osaka tăng nhẹ 2

Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu cao su trong năm 2021

Tồn kho nội địa Trung Quốc còn lớn

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 1 đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 321 triệu USD, gấp 2,2 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng  kỳ năm 2020. 

Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%. 

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối năm 2020, quốc gia này đã giảm mạnh lượng nhập khẩu cao su so với những tháng trước đó, cho thấy một lượng lớn cao su nguyên liệu đã được tích lũy. 

Do đó, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo trong năm 2021 nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có xu hướng giảm nhập khẩu cao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ.

Giá cao su đầu tháng 2 tăng trên thị trường quốc tế

Đầu tháng 2, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng trở lại. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 5/2, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2021 giao dịch ở mức 246,4 Yên/kg (tương đương 2,33 USD/kg), tăng 0,7% so với cuối tháng 1 và tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su tăng do nhu cầu tại Mỹ hồi phục khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nền kinh tế hồi phục; thị trường cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu mủ tự nhiên của các nhà máy tăng mạnh do nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tăng cao trong đại dịch.

Ở thị trường nội địa, mủ cao su nguyên liệu tháng 1 biến động giảm nhẹ cùng với xu thế trên thị trường thế giới.

Giá cao su hôm nay 19/2/2021: Giá tại Osaka tăng nhẹ 3
Ảnh minh họa - Internet 

Thái Lan thu về hơn 6,4 tỷ USD từ xuất khẩu cao su

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 58,38% tổng lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 với 2,68 triệu tấn, trị giá 109,51 tỷ Baht, tương đương với 3,65 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá so với năm 2019. 

Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, Thái Lan xuất khẩu được 2,66 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 108,91 tỷ Baht, tương đương 3,63 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 15,2% về trị giá so với năm 2019, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 36,73% tổng lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 với 978.490 tấn, trị giá 39,61 tỷ Baht, tương đương 1,32 tỷ USD, giảm gần 20% về lượng và giảm 21% về trị giá so với năm 2019. 

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tự nhiên của Thái Lan trong năm 2020 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn là Malaysia và Hàn Quốc tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ lại giảm.

Trong năm 2020, xuất khẩu cao su tổng hợp (mã HS 4002) của Thái Lan đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 75,55 tỷ Baht, tương đương 2,51 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng gần 13% về trị giá so với năm 2019, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 91,03% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020, với 1,62 triệu tấn, trị giá 67,4 tỷ Baht, tương đương 2,51 tỷ USD, tăng gần 24% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với năm 2019. 

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp của Thái Lan trong năm 2020 có sự thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Malaysia, Mỹ và Việt Nam giảm, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh. 

Bình luận