Giá cao su hôm nay 2/6/2021: Chuỗi giảm chưa dứt bởi làn sóng COVID-19 diễn biến phức tạp

(VOH) – Giá cao su ngày 2/6 giảm mạnh trên sàn giao dịch châu Á. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cao su thời gian tới.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 2/6/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 10/2021, giảm mạnh 3,3 JPY, tương đương 1,40% xuống mức 236,2 JPY/kg. 

Giá cao su hôm nay 2/6/2021: Chuỗi giảm chưa dứt bởi làn sóng COVID-19 diễn biến phức tạp 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1,31% xuống 13.165 CNY/tấn.

Giá cao su hôm nay 2/6/2021: Chuỗi giảm chưa dứt bởi làn sóng COVID-19 diễn biến phức tạp 2

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 4/2021, nhập khẩu cao su các loại của nước này đạt 577 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 41,9% về trị giá so với tháng 4/2020.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 2,36 triệu tấn cao su, trị giá 4,1 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Theo Reuters, tiêu thụ cao su tại châu Âu tăng lên chỉ khi lo ngại về chủng mới virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 được giảm bớt.

Ngoài ra, xu hướng tăng sẽ bị hạn chế bởi số ca nhiễm COVID-19 mới ở Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia và Sri Lanka tăng mạnh.

Chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung và cao su nói riêng tiếp tục bị gián đoạn ở nhiều thời điểm do tình trạng thiếu hụt container vận chuyển, dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ và nguồn cung không đủ đáp ứng.

Điều này có thể buộc một số công ty ở các nước sản xuất cao su phải thay đổi chiến lược kinh doanh, giãn thời hạn giao hàng, hoặc phải tìm kiếm nguồn cung ứng cao su trong nước.

Hiện tại, làn sóng COVID-19 diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, cùng với tiến độ tiêm chủng chậm ở nước này cũng như nhiều nước châu Á khác, có thể hạn chế sự tăng trưởng nhu cầu cũng như sự phục hồi của giá cao su.

Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự đoán rằng, nguồn cung cao su sẽ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6/2021, điều này có thể làm hạn chế đà tăng mạnh của giá cao su.

Giá cao su hôm nay 2/6/2021: Chuỗi giảm chưa dứt bởi làn sóng COVID-19 diễn biến phức tạp 3
Ảnh minh họa - Internet 

Giá cao su giảm trong giữa tháng 5, dự báo nguồn cung sẽ bắt đầu cải thiện từ cuối tháng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 5/2021, giá cao su tại châu Á có xu hướng giảm so với 10 ngày trước đó.

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 18/5, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 6/2021 ở mức 261,5 Yên/kg (tương đương 2,4 USD/kg), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 85,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su trong 10 ngày đầu tháng 5/2021 giảm mạnh xuống so với 10 ngày trước đó, nhưng có xu hướng tăng trở lại trong những phiên giao dịch gần đây. 

Tại Thái Lan, ngày 18/5 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 70 Baht/kg (tương đương 2,23 USD/kg), giảm 0,9% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 64,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo giá cao su tự nhiên trên toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ khi nhu cầu cao su tăng lên, giá dầu mỏ tăng, nguồn cung hạn hẹp và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác. 

Theo ANRPC, chiến dịch tiêm chủng tích cực ở các nền kinh tế phát triển sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu cao su toàn cầu, nhất là ở những thị trường như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Nguồn cung cao su toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu cải thiện từ tuần cuối của tháng 5/2021. ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 6/2021 sẽ tăng 15,8% so với tháng 5/2021. 

Chuỗi cung ứng hàng hóa nói chung và cao su nói riêng tiếp tục bị gián đoạn ở nhiều thời điểm do tình trạng thiếu container, dẫn đến việc giao hàng bị chậm, nguồn cung không đảm bảo, có thể buộc một số công ty ở một số nước sản xuất cao su phải thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc giãn thời hạn giao hàng, hoặc phải tìm kiếm nguồn cung ứng cao su trong nước, mặc dù giá cao hơn cao su nhập khẩu.