Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 20/4/2021, lúc 13h00, kỳ hạn tháng 9/2021, tăng lên mức 2,2 JPY, tương đương 0,96% xuống mức 232,1 JPY/kg.
Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 1,50%, ghi nhận mức giá 13.525 CNY/tấn.
Giá cao su Nhật Bản giao dịch tăng trong phiên hôm nay - là phiên tăng thứ 4 liên tiếp sau khi Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới thông báo tăng trưởng kinh tế mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021.
Nền kinh tế Nhật Bản đang khởi sắc nhờ nhu cầu trên toàn cầu phục hồi và chương trình kích thích tiêu dùng trên quy mô lớn, mặc dù bất kỳ sự phục hồi nào đều có yếu tố rủi ro do đại dịch còn diễn biến phức tạp, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng trong quý đầu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% do nhu cầu tăng mạnh ở cả trong và ngoài nước và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các công ty nhỏ.
Bên cạnh vật lộn với việc đóng cửa nhà máy do đại dịch và tình trạng thiếu chip, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu còn phải đối mặt với một vấn đề đau đầu khác của chuỗi cung ứng, đó là tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su.
Hiện tại, nguồn cung cao su trên thế giới đang dần thiếu hụt do Trung Quốc tăng cường dự trữ. Ngoài ra, dịch bệnh hại lá hoành hành trên cây trồng cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.
Trong khi đó, giá cao su thế giới đang trên đà tăng khiến một số nhà sản xuất ô tô tại Mỹ gấp rút xuất khẩu các lô hàng trước khi thị trường bị siết chặt hơn nữa.
Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động do cuộc khủng hoảng chất bán dẫn khiến doanh thu bị mất đi hàng chục tỷ USD, theo Longview News-Journal.
Nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển quay trở lại và hạn chế do COVID-19.
Lượng cao su nhập khẩu từ Campuchia tăng đột biến trong quý I năm 2021
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2021, Campuchia là thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam với khối lượng đạt 312 nghìn tấn, tăng tới hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, lượng cao su nhập khẩu từ thị trường này chiếm đến 61,8% tổng khối lượng cao su nhập khẩu vào Việt Nam trong quý I/2021, tăng mạnh so với thị phần 15,4% của cùng kỳ năm 2021.
Giá nhập khẩu bình quân cao su của Việt Nam từ thị trường Campuchia trong quý I/2021 đạt 1.021 USD/tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, mức giá này thấp hơn nhiều so với giá nhập cao su từ các thị trường khác như Hàn Quốc (2.051 USD/tấn), Trung Quốc (2.231 USD/tấn), Nhật Bản (2.544 USD/tấn)...
Trong quý I/2021, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường khác như: Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng và phát triển một lượng đáng kể cây cao su tại Lào và Campuchia. Tính cuối năm 2020, tổng diện tích mà các đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang quản lý tại Campuchia là 87.891 ha; trong đó, diện tích kinh doanh là 61.153 ha, kiến thiết cơ bản là 26.732 ha.