Giá cao su hôm nay 22/6/2022: Giá tại Nhật Bản tiếp tục tăng

(VOH) - Giá cao su ngày 22/6 tăng giảm trái chiều, giá kỳ hạn trên hai Sàn TOCOM và SHFE biến động trong phiên sáng nay.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 22/6/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 9/2022, tăng nhẹ lên mức 254,4 JPY/kg, tăng nhẹ 0,3 yên, tương đương 0,12%.

Giá cao su hôm nay 22/6/2022: Giá tại Nhật Bản tiếp tục tăng 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 45 CNY, ghi nhận 12.565 CNY/tấn, tương đương 0,36%.

Giá cao su hôm nay 22/6/2022: Giá tại Nhật Bản tiếp tục tăng 2

Giá cao su trên thị trường châu Á biến động trái chiều. Theo đó, giá cao su tại Nhật Bản tăng theo xu hướng cổ phiếu Châu Á. 

Ngược lại, giá cao su tại Trung Quốc giảm do giá cao su nguyên liệu của Thái Lan giảm, song đà giảm được hạn chế bởi đồng JPY yếu và hy vọng Mỹ có thể cắt giảm một số thuế quan đối với Trung Quốc.

Giá mủ cao su của Thái Lan xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/1 tại 45,25 baht (1,28 USD)/kg do đang mùa cao điểm ở Thái Lan tức là nguồn cung cao trong vài tuần. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu được 114,15 nghìn tấn cao su, trị giá 194,85 triệu USD. 

Giá cao su hôm nay 22/6/2022: Giá tại Nhật Bản tiếp tục tăng
Ảnh minh họa - Internet 

Diện tích cao su ngày càng thu hẹp, xuất khẩu cao su đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 114 nghìn tấn cao su, tương đương 195 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 38% về trị giá so với tháng 4. Đây là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu cao su (cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su) ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cao su tự nhiên năm 2021 phá kỷ lục 10 năm với 3,3 tỷ USD.

Xuất khẩu cao su ngày càng tăng cả về lượng và chất, tuy nhiên diện tích và sản lượng cao su của Việt Nam gần đây liên tục giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Trong một thập kỷ qua, diện tích cao su đại điền liên tục giảm, bình quân mỗi năm giảm 10.000 – 20.000 ha, do các công ty chuyển đổi cây cao su sang trồng cây khác, hoặc phát triển công nghiệp.

Điều này dẫn đến, sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu, nên trong những năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên từ Lào và Campuchia để phục vụ chế biến các sản phẩm cao su. Luồng cung nhập khẩu này được hòa với nguồn cung trong nước để xuất khẩu.

Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cao su thiên nhiên với kim ngạch 1,9 tỷ USD. Các con số này tăng lần lượt là 2,4 lần và 2,7 lần so với con số về lượng và kim ngạch nhập khẩu của năm 2020.

Thời gian qua, những quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. 

Do đó, để phát triển bền vững ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng cần vận động các hộ kinh doanh riêng lẻ hình thành các tổ hợp tác sản xuất cao su theo từng cụm để có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền tham gia chương trình phát triển cao su bền vững của doanh nghiệp, tạo nguồn cao su bền vững để cung cấp cho thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của ngành cao su Việt Nam.