Giá cao su hôm nay 3/11/2021: Trái chiều trên sàn châu Á

(VOH) - Giá cao su ngày 3/11 trái chiều, giá cao su trên sàn Osaka duy trì đà giảm mạnh, giá tại Thượng Hải tăng mạnh.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 3/11/2021, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 3/2022, giảm mạnh xuống mức 223,2 JPY/kg, giảm mạnh 4,3 yên, tương đương 1,93%. 

Giá cao su hôm nay 3/11/2021: Trái chiều trên sàn châu Á 1

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh trở lại 230 CNY, lên mức 13.365 CNY/tấn, tương đương 1,75%. 

Giá cao su hôm nay 3/11/2021: Trái chiều trên sàn châu Á 2

Trong tháng 10, giá cao su tại Nhật Bản hồi phục nhẹ, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại giá năng lượng tăng cao có thể dẫn tới hoạt động sản xuất chậm lại và sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể gặp khó khăn.

Hiện nay, giá dầu tăng cao và nguồn cung cao su khan hiếm trong bối cảnh sản lượng tại các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ là các yếu tố thúc đẩy cao su toàn cầu tăng mạnh. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9/2021, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 615 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 29% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với tháng 9/2020, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Thị trường tăng nhẹ và dự báo sẽ biến động liên tục khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với các vấn đề tài chính và dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều nơi trong nước. 

Giá cao su hôm nay 3/11/2021: Trái chiều trên sàn châu Á 3
Ảnh minh họa - Internet 

ANRPC hạ dự báo sản lượng và tiêu thụ cao su toàn cầu

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã hạ dự báo về sản lượng và tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu trong năm 2021, bất chấp các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới.

ANRPC đã cắt giảm dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm 2021 xuống còn 13,8 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020. 

Việc điều chỉnh này chủ yếu là do ước tính sản lượng tại Thái Lan và Việt Nam giảm so với năm 2020. 

Theo ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong tháng 9 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,3 triệu tấn. Trong đó, Indonesia tăng 4,7%, Việt Nam tăng 13,3% và Malaysia tăng 19%. 

Ngược lại, sản lượng tại Thái Lan, Myanmar và Philippines giảm lần lượt 5,6%, 4,5% và 3,7% bất chấp việc dỡ bỏ các hạn chế di chuyển do dịch COVID-19. 

Tính chung quý III, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu giảm do hạn chế di chuyển ở một số quốc gia sản xuất trong tháng 7 và tháng 8. 

Về triển vọng nhu cầu, ANRPC đã điều chỉnh giảm dự báo triển vọng tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong năm nay, mặc dù nhu cầu từ Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự kiến.

Đồng thời, Hiệp hội ANRPC cũng cho biết sản lượng của hầu hết các nước sản xuất dự kiến sẽ cải thiện cuối tháng 10 đến tháng 11.