Giá cao su hôm nay 5/12/2020: Giá tại Nhật Bản giảm mạnh 

(VOH) – Giá cao su ngày 5/12 giảm, trong khi giá cao su trên sàn Thượng Hải suy yếu và các trường hợp nhiễm virus corona tăng đột biến cũng gây áp lực lên giá.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 5/12/2020, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 4/2021, giảm 10,3 JPY tương đương 3,9%, ghi nhận ở mức 255,7 JPY/kg..

Tính chung cả tuần, giá cao su vẫn hướng tới mức tăng gần 4%.

Giá cao su tại Thượng Hải – Shanghai Futures Exchange (SHFE)

Giá cao su hôm nay 5/12/2020: Giá tại Nhật Bản giảm mạnh ảnh 1

Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 770 CNY xuống 14.900 CNY (2.277 USD)/tấn.

Theo nhiều bình luận trên Japan Exchange Group (sàn giao dịch Osaka), việc giá giảm ảnh hưởng từ tâm lý bán ra của các nhà đầu tư. Ngoài ra, dịch bệnhCOVID-19 quay trở lại các quốc gia Châu Á như Malaysia, Hồng Kông hay Việt Nam cũng gây nhiều hoang mang cho thị trường.

Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp, chủ yếu ở các ngành sản xuất máy móc và ô tô, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi sau nhưng thiệt hại do đại dịch gây ra.

Thông tin sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 cũng tăng mạnh hơn dự đoán. Đà tăng cao su Trung Quốc đã xuất hiện khi nhu cầu sản xuất ổn định, và nguồn cung ở các nước Đông Nam Á vẫn thắt chặt.

Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới, với hơn nửa triệu ca tử vong đã được ghi nhận chỉ trong hai tháng qua, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Sản lượng cao su của Ấn Độ trong tháng 11/2020 đã tăng lên đáng kể sau khi giá cao su đạt mức 175 rupee/kg. Tuy nhiên, sản lượng cao su năm nay nhìn chung sẽ thấp hơn mức 7,12 vạn tấn so với năm trước do tác động của đại dịch Covid-19 đến việc sản xuất và thu hoạch tại các đồn điền.

Giá cao su hôm nay 5/12/2020: Giá tại Nhật Bản giảm mạnh ảnh 2

Mỹ giảm gần 25% lượng nhập khẩu cao su Việt Nam

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 1,4%, giảm nhẹ so với mức 1,5% của 9 tháng đầu năm 2019.

Trong đó, Indonesia, Thái Lan và Canada, Hàn Quốc và Đức là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Mỹ. 

Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 14 cho Mỹ với 17.620 tấn, trị giá 25,71 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019; thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Mỹ chiếm 1,4%, giảm nhẹ so với mức 1,5% của 9 tháng đầu năm 2019. 

Theo Bộ Công Thương triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kiểm soát dịch COVID-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia này. 

Các công ty sản xuất ô tô của Mỹ vẫn chưa bù đắp được sản lượng sụt giảm sau khoảng hai tháng ngừng hoạt động do dịch COVID-19. Việc phải ngừng hoạt động đã làm giảm lượng ô tô trữ kho khoảng 3,3 triệu xe và đình trệ kế hoạch sản xuất cho năm 2021.

Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Mexico và Pháp là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ trong 9 tháng năm 2020. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Mỹ có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm; trong khi thị phần của Hàn Quốc, Đức, Mexico và Pháp lại tăng. Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của Mỹ.

Giá cao su hôm nay 5/12/2020: Giá tại Nhật Bản giảm mạnh ảnh 3
Ảnh minh họa - Internet 

BSC: Giá cao su phục hồi chỉ diễn ra trong ngắn hạn

Giá cao su phục hồi sau kì giảm sâu, đạt đỉnh cũ năm 2019, giá trung bình tháng 9/2020 đạt 208 JPY/kg, tăng 26% YoY. 

Nguyên nhân giá cao su thế giới phục hồi chủ yếu đến từ thiếu nguồn cung bởi mùa mưa tại Thái Lan và hiệu quả khai thác mủ thấp do áp lực thiếu hụt lao động do giãn cách dịch COVID-19.

Theo đó, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kì vọng nhu cầu đối với cao su tự nhiên sẽ tăng lên khi các hãng ô tô Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất sau dịch. 

Theo BSC các doanh nghiệp săm lốp được kì vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan trong 2021 nhờ do sản lượng xuất khẩu tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, việc xuất khẩu sang các thị trường chính Brazil và và Mỹ hồi phục.

Bên cạnh đó thị trường lốp xe nội địa cũng được BSC kì vọng cải thiện nhờ nhu cầu ô tô lắp ráp trong nước (CKD) tăng lên do qui định giảm phí trước bạ cho xe ô tô lắp ráp kích thích cầu tiêu dùng. 

Liên quan đến thông tin Mỹ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm săm lốp ô tô tải nhẹ Việt Nam, CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) là doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe tải nặng xuất khẩu sang Mỹ trong khi qui định mới áp dụng cho lốp bán thép và tải nhẹ, do đó DRC sẽ không bị ảnh hưởng bởi qui định này.

Do đó, đơn vị này đánh giá trung lập cho ngành cao su do giá cao su phục hồi hỗ trợ mảng lợi nhuận cao su tuy nhiên diễn biến này chỉ diễn ra trong ngắn hạn và tình trạng dư cung vẫn tiếp diễn, đơn vị cho rằng giá cao su sẽ chỉ tăng nhẹ từ 5-8% YoY trong dài hạn.

Bình luận