Giá gas hôm nay 11/4/2022: Giảm phiên đầu tuần

(VOH) - Giá gas hôm nay 11/4 giảm nhẹ, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm do Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Giá gas thế giới giảm nhẹ

Giá gas hôm nay 11/4, lúc 12h00, giờ Việt Nam, giảm 0,52% xuống mức 6,29 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2022.

Giá gas hôm nay 11/4/2022: Giảm phiên đầu tuần 
Ảnh minh họa - Internet 

Đầu tuần, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm do Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của Covid-19 tại trung tâm tài chính Thượng Hải, trong khi giá tại châu Âu vẫn tăng.

Nhiều nguồn tin cho rằng, giá LNG trung bình cho đợt giao tháng 5 đến Đông Bắc Á được ước tính vào khoảng 33,00 USD/mmBTU, giảm 2,00 USD so với ghi nhận vào tuần trước đó.

Trong khi đó, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng, duy trì mức cao để thu hút hàng hóa đến khu vực này trong bối cảnh Nga có nguy cơ cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt.

Thị trường khí đốt châu Âu đang lo ngại rằng dòng khí đốt của Nga, chiếm khoảng 40% nguồn cung của họ, có thể bị ngừng vào cuối tháng này trong bối cảnh bế tắc về nhu cầu thanh toán bằng đồng rúp và lo ngại về các lệnh trừng phạt có thể xảy ra.

Theo dữ liệu sơ bộ của Refinitiv, châu Âu tiếp tục thống trị xuất khẩu LNG của Mỹ khi tăng gần 16%, chiếm khoảng 65% lượng xuất khẩu trong tháng trước. Chỉ có khoảng 12% lượng LNG của châu Âu là được xuất sang châu Á.

Hiện các nhà máy LNG của Mỹ sản xuất LNG hết công suất, các nhà phân tích nhận định hầu hết lượng khí bổ sung đến châu Âu sẽ phải đến từ xuất khẩu dành cho các khu vực khác trên thế giới.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 94,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tháng 4 từ mức 93,7 bcfd vào tháng 3. 

Giá khí đốt tương lai của châu Âu dự sẽ tăng khoảng 3% lên khoảng 34 USD/mmBtu. Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, đã cung cấp khoảng 30% đến 40% lượng khí đốt của châu Âu vào năm 2021. 

EU muốn cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 và nạp đầy các kho dự trữ lên 80% công suất vào ngày 1 tháng 11 năm 2022 và 90% vào ngày 1 tháng 11 mỗi năm, bắt đầu từ năm 2023.