Giá gas hôm nay 21/10/2022: Bật tăng mạnh, EU chưa thể áp giá trần khí đốt

(VOH) – Giá gas hôm nay 21/10 tăng mạnh. 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có nhiều bất đồng trong vấn đề khí đốt, khối này có lẽ sẽ chưa thể đưa ra mức trần giá khí đốt.

Giá gas thế giới tăng mạnh 

Giá gas hôm nay 21/10, lúc 7h30, giờ Việt Nam, quay đầu tăng mạnh 1%, lên mức 5,53 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí đốt tự nhiên giao vào tháng 11/2022.

Giá gas hôm nay 21/10/2022: Bật tăng mạnh, EU chưa thể áp giá trần khí đốt
Giá gas bật tăng mạnh, EU chưa thể áp giá trần khí đốt.

Trong cuộc họp ngày 20/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tán thành các đề xuất mới nhất của khối nhằm đặt trần giá năng lượng. Tuy nhiên, kết luận của cuộc họp chỉ giới hạn giá khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện. 

Các đề xuất của Ủy ban không bao gồm mức trần giá khí đốt ngay lập tức, điều mà hầu hết các nước EU nói rằng họ muốn, nhưng cho biết Brussels có thể soạn thảo một đề xuất khác để đặt giới hạn giá tạm thời đối với cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF) của Hà Lan với một số điều kiện nhất định.

27 quốc gia thành viên EU đã tranh cãi trong nhiều tháng qua về các biện pháp nhằm giảm hóa đơn năng lượng cho người dân và họ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 20-21/10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong không khí ảm đạm.

15 quốc gia bao gồm Pháp, Italy và Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan - lần lượt là nền kinh tế và khách hàng khí đốt lớn nhất châu Âu, đồng thời cũng là hai trung tâm buôn bán khí đốt hàng đầu của châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần.

Một dự thảo sửa đổi về kết luận hội nghị thượng đỉnh của họ cho biết, các nhà lãnh đạo EU sẽ tán thành rộng rãi các đề xuất - bao gồm cả kế hoạch đưa ra mức giá chuẩn thay thế cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và bắt đầu mua khí đốt chung giữa các nước EU.

Mỗi đề xuất đều cần sự ủng hộ của đa số các nước EU - ít nhất 15 thành viên đại diện cho ít nhất 65% dân số của khối.

Các kết luận có thể khó giành được sự ủng hộ từ tất cả các nhà lãnh đạo, vì các quốc gia đang chia rẽ về cơ chế Iberia. Cụ thể, Pháp và các nước khác ủng hộ ý tưởng này như một cách để kiềm chế giá điện, trong khi Đức và Hà Lan lo ngại nó sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt.

Dự thảo kết luận cho biết mức trần giá khí đốt sử dụng cho sản xuất điện phải tránh làm tăng mức tiêu thụ khí. 

Đức cho biết nước này đã đạt mức lấp đầy 96,5% các hầm chứa khí đốt dưới lòng đất của mình, vượt qua mục tiêu đặt ra cho ngày 1/11 là 95%.

Đức có thể vượt qua mùa đông mà không cần đến tình trạng khẩn cấp về khí đốt quốc gia nếu đạt được các điều kiện: quốc gia này tiếp tục đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng ít nhất 20%, ba cảng tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ bắt đầu hoạt động chậm nhất vào đầu năm sau, và lượng giảm nhập khẩu năng lượng trong màu Đông lẫn tăng xuất khẩu (hiện ở mức thấp) vẫn ở mức vừa phải.