Chờ...

Giá gas hôm nay 22/11/2021: Tiếp tục đà tăng

(VOH) – Giá gas hôm nay 22/11 giữ đà tăng mạnh từ cuối tuần trước. Thị trường khí đốt châu Á đang vô cùng sôi nổi do việc lưu trữ hàng hóa để tránh lặp lại tình trạng khủng hoảng năm ngoái.

Giá gas thế giới tăng mạnh 

Giá gas hôm nay 22/11, lúc 11h00, giờ Việt Nam, tăng mạnh 3,61% lên mức 5,08 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11/2021.

Giá gas hôm nay 22/11/2021: Tiếp tục đà tăng 
Ảnh minh họa - Internet 

Giá khí đốt tự nhiên chốt tuần ở mức tăng, lấy lại ngưỡng kháng cự được hỗ trợ gần mức trung bình động 10 ngày ở mức 5,02 USD/mmBTU.

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) châu Á tăng tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu mạnh mẽ từ khách hàng châu Á trước những tháng cao điểm mùa đông và do lo ngại nguồn cung ở châu Âu sau khi trì hoãn cấp phép đường ống Nord Stream 2 mới.

Ngày 16/11, cơ quan quản lý năng lượng của Đức đã đình chỉ quá trình phê duyệt Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí mới lớn đưa khí đốt của Nga vào châu Âu, khiến giá khu vực tăng lên. 

Theo đó, châu Á đang tích trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để tránh lặp lại tình trạng khủng hoảng của mùa đông năm ngoái khi nhiệt độ lạnh hơn bình thường đã khiến giá LNG tăng kỷ lục.

Bất chấp việc giá nhiên liệu tăng cao, nhiều người mua châu Á vẫn mua khí đốt với giá đắt đỏ trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. 

Nhu cầu về LNG tăng cao và các lô hàng khí đốt của Mỹ đến châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, đang đưa giá vận chuyển LNG giao ngay tại khu vực châu Á Thái Bình Dương lên mức kỷ lục mới.

Hiện giá cước vận chuyển LNG cũng đã vượt mức cao nhất mọi thời đại của mùa đông năm ngoái và cao gấp 5 lần so với hồi đầu tháng 9.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 1 tại khu vực Đông Bắc Á đã tăng lên 36,7 USD/mmBtu, tăng 5,2 USD, tương đương 16,5% so với tuần trước.

Các thương nhân hiện đang tranh nhau đặt tàu để vận chuyển nhiên liệu đến các thị trường thiếu năng lượng ở châu Á. 

Nhu cầu cao hơn ở châu Á và sự gia tăng xuất khẩu của Mỹ sang khu vực này, bao gồm cả sang Trung Quốc, có thể sẽ khiến thị trường tàu chở LNG thắt chặt trong suốt mùa đông. 

Ngoài ra, nhằm tránh lặp lại tình trạng tắc nghẽn năm ngoái ở Kênh đào Panama, người mua châu Á đang đặt các tàu chở LNG để đi từ Hoa Kỳ đến châu Á qua Mũi Hảo vọng.