Giá phân bón hôm nay khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên
Giá phân bón tại khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên tiếp tục đi ngang diện rộng.
Theo ghi nhận, phân urê Cà Mau, Phú Mỹ không có thay đổi mới về giá bán, hiện có giá bán lần lượt 580.000 - 630.000 đồng/bao và 580.000 - 640.000 đồng/bao.
Nhỉnh hơn một chút, mức giá 750.000 - 850.000 đồng/bao được áp dụng đối với phân NPK 16 - 16 - 8.
Giá phân bón hôm nay khu vực miền Bắc
Giá phân bón tại khu vực miền Bắc duy trì lặng sóng.
Cụ thể, phân urê Hà Bắc có giá là 560.000 - 580.000 đồng/bao và Phú Mỹ là 550.000 - 580.000 đồng/bao.
Đồng thời, phân NPK 16 - 16 - 8 Việt Nhật và Phú Mỹ đang được bán với giá trong khoảng 800.000 - 840.000 đồng/bao.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192 triệu tấn.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả đó, Doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thạc sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay nông nghiệp bị ảnh hưởng bới biến đổi khí hậu, nhưng cũng là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp gồm N2O, CH4 và CO2… đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải.
Phát thải N2O chiếm 32% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm urea dư thừa. Khí CH4 phát sinh từ hoạt động canh tác lúa và sử dụng đất, từ hệ tiêu hóa của động vật nhai lại (trâu, bò, cừu, dê) trong quá trình lên men ở ruột. Khí CO2 từ đốt nhiên liệu cho máy móc hoạt động trong quá trình làm đất, gieo trồng, thu hoạch…
Theo ông Phùng Hà, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”.
Đó là, phát triển rộng rãi của các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải/tan chậm, kiểm soát phân giải để giúp tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.
Cùng với đó, quản lý dinh dưỡng cây trồng, thúc đẩy sự kết hợp tốt hơn giữa các nguồn phân bón hữu cơ có sẵn tại địa phương như phân chuồng và phân ủ (compost) với phân khoáng. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh; tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường.