Giá sắt thép xây dựng hôm nay 2/2: Giá trong nước neo ở mức cao, giá thế giới giảm

(VOH)-Giá thép ngày 2/2 giảm nhẹ trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Hiện mỗi tấn thép của các DN trong nước đã tăng 300.000-700.000 đồng, có loại vượt 16 triệu đồng/ tấn.
Giá thép xây dựng hôm nay 2/2/2023
Ảnh minh họa: internet

Giá thép xây dựng tăng đợt thứ ba liên tiếp trong tháng 1

Sau ba đợt điều chỉnh tăng liên tiếp trong tháng đầu năm 2023, giá thép xây dựng hiện đang ở mức 15,2-16,2 triệu đồng/tấn tùy chủng loại và thương hiệu.

Ngày 31/1, một số doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt nâng 200.000 – 310.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, lên khoảng 15,2 – 16,2 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thép đã có đợt tăng thứ ba liên tiếp trong tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Steel Online.

Cụ thể trong đợt điều chỉnh này, doanh nghiệp thép Hòa Phát tại miền Bắc nâng 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Giá hai sản phẩm này hiện lần lượt ở mức 15,54 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.

Tại miền Trung, thép cuộn CB240 của Hòa Phát nhích 300.000 đồng/tấn, lên 15,37 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200.000 đồng/tấn với giá 15,42 triệu đồng/tấn.

Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện, giá của hai sản phẩm này lần lượt là 15,42 triệu đồng/tấn và 15,47 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Ý cũng tăng 300.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 và D10 CB300, lần lượt lên mức 15,4 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Với cùng mức tăng 300.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 của thương hiệu Việt Đức đang ở mức 15,2 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.

Thép Kyoei cũng nâng 300.000 đồng/tấn với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 lên lần lượt 15,28 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn.

Còn thép miền Nam nâng 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và tăng 300.000 đồng/tấn với thanh vằn D10 CB300. Hiện hai dòng thép này lần lượt là 16,04 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.

Trước đà tăng của giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng đầu năm 2023, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi theo xu hướng chung của thế giới nhờ yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.

"Thị trường đang ấm dần lên, đặc biệt là giá phế và giá phôi tăng sớm một nhịp trước khi giá thép thành phẩm tăng. Các nhà máy xem xét điều chỉnh một phần giá bán thép, đặc biệt là thép cây với mác CB4, CB5...đặc biệt trước quyết định nới lỏng chính sách Zero-COVID của Trung Quốc”, VSA nhận định.

Giá thép khởi sắc là một tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, nhưng nhìn chung vẫn có nhiều đánh giá khá ảm đạm về ngành này trong năm 2023.

Trong báo cáo ngành thép, Bộ phân phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết năm 2022, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Điều này đã từng xảy ra với ngành thép trong quá khứ. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.

Đối với kênh xuất khẩu, SSI Research cho rằng thị trường vẫn chưa thuận lợi do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm.

Giá sắt thép xây dựng giảm nhẹ trên Sàn giao dịch Thượng Hải

Giá thép ngày 2/2, giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 12 nhân dân tệ xuống mức 4.111 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Giá sắt thép xây dựng hôm nay 2/2: Giá trong nước neo ở mức cao, giá thế giới giảm 2

Hôm qua, giá than luyện cốc kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kéo dài đà giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần, Reuters đưa tin.

Giá than luyện cốc giao tháng 5/2023 kết thúc giao dịch buổi sáng giảm 4% xuống 1.788,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 265,00 USD/tấn).

Trước đó hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/1 là 1.787,5 nhân dân tệ/tấn.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các thương nhân đang quan tâm đến các lô hàng than đến từ Australia, dự kiến ​​sẽ sớm đến Trung Quốc.

Than cốc, dạng than luyện cốc đã qua chế biến, cũng giảm 3,8% trên Sàn DCE trong cùng ngày.

Thách thức với các DN sản xuất thép năm 2023

Theo VDSC, việc dự báo lợi nhuận ngắn hạn của các nhà sản xuất thép sẽ ngày càng khó khăn khi các doanh nghiệp buộc phải linh động trong chính sách tồn kho nguyên liệu để đảm bảo lợi nhuận.

Theo báo cáo mới cập nhật tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các nhà máy thượng nguồn vẫn đang chịu sức ép từ sự bất ổn của giá quặng và tình trạng khan hiếm than luyện cốc.

Cụ thể, quặng biến động mạnh hơn thép thành phẩm và phụ thuộc tình hình cung cầu cục bộ, đặc biệt là lực cầu từ Trung Quốc và nguồn cung từ Úc và Brazil. Hơn nữa, giá than luyện cốc đã trải qua năm 2022 biến động dữ dội, có thời điểm tăng gấp đôi so với đầu năm.

Nhận định sơ lược của VDSC là biến động giá nguyên liệu như thời gian gần đây đã thách thức chính sách tồn kho và chính sách phòng hộ giá nguyên liệu của gần như tất cả các nhà sản xuất thép.

Và khó khăn này sẽ còn kéo dài, khi các ngành có tính chu kỳ đang ở trong giai đoạn suy thoái, theo báo cáo. Khi các nhà sản xuất phải linh động trong hoạt động mua và tích trữ nguyên liệu, việc nắm bắt giá vốn cũng như dự báo lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu thép.