Thép trong nước lại điều chỉnh giá bán
Hàng loạt thương hiệu thép như Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... sau một khoảng thời gian bình ổn đều đã có sự điều chỉnh về giá bán trong dịp cuối năm.
Trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ thép trong nước tiếp tục ảm đạm, giá nguyên liệu đầu cũng đang có xu hướng tăng, nhiều thương hiệu thép trong nước đã có động thái điều chỉnh giá bán theo tình hình của thị trường.
Thương hiệu thép Hòa Phát thông báo tăng mạnh giá bán sau thời gian dài bình ổn. Theo đó, mặt hàng thép cuộn CB240 tăng 200.000 đồng/tấn lên mức 14,7 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 380.000 đồng/tấn, lên thành 15,02 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Bắc.
Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng thông báo tăng 350.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn, giá hai loại thép trên. Như vậy, giá thép xây dựng mới nhất trong ngày 28/12 của Hòa Phát lần lượt ở mức 14,71 triệu đồng/tấn và 14,76 triệu đồng/tấn.
Tương tự tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát cũng tăng 350.000 đồng/tấn, lên 14,66 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 tăng 210.000 đồng/tấn lên 15,01 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, mặt hàng thép CB240 và D10 CB300 lần lượt giảm 50.000 đồng/tấn và 50.000 đồng/tấn trong ngày 28/12, xuống còn 14,7 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn. Còn thép Pomina, hai loại thép trên cũng giảm 60.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn xuống cùng mức giá 16,06 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh giá bán lần này, thép Việt Đức, thép Miền Nam, thép Việt Nhật, thép Thái Nguyên cũng đồng loạt thông báo tăng giá bán thêm 100.000-200.000 đồng/tấn. Hiện giá bán mặt hàng thép xây dựng đang dao động trong khoảng 14,7-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thị trường thép trong nước quý 4/2022 sẽ còn gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Bước sang năm 2023, ngành thép sẽ không có cải thiện đáng kể trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Bên cạnh đó, sự bất ổn của thị trường bất động sản cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép. Với hơn 90% lượng tiêu thụ thép trong nước đến từ ngành xây dựng, thị trường nhà ở trì trệ có thể làm giảm nhu cầu trong nước trong năm tới.
Giá sắt thép xây dựng hôm nay trên Sàn giao dịch Thượng Hải
Giá thép ngày 30/12 giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 65 nhân dân tệ lên mức 4.097 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h15 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Năm (30/12), giá quặng sắt kỳ hạn tăng, với giá trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) đạt mức cao nhất trong hơn 6 tháng, Reuters đưa tin.
Nguyên nhân là do sự lạc quan về triển vọng nhu cầu tại nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc đang lấn át lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID của nước này.
Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 5/2023 trên Sàn DCE của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch trong ngày cao hơn 1,6% ở mức 845 nhân dân tệ/tấn (tương đương 121,34 USD/tấn).
Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 là 847,50 nhân dân tệ/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2023 đã tăng 1,3% lên 114,60 USD/tấn trong cùng ngày.
Theo nhận định của các nhà phân tích, kỳ vọng về nhu cầu từ các nhà máy thép của Trung Quốc trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang là yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là cho giá quặng sắt trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết: “Tồn kho quặng sắt tại các nhà máy thép quá thấp. Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần, các nhà máy thép vẫn có nhu cầu bổ sung tiềm năng”.
Hiện tại, tâm lý chung vẫn tích cực, đặc biệt là với triển vọng nhu cầu thép trong lĩnh vực bất động sản sẽ được cải thiện.
Mysteel Research & Consulting kỳ vọng rằng, giá của các loại thép chính sẽ “tiếp tục biến động trong phạm vi bất chấp kỳ vọng cao về các chính sách kích thích sẽ tác động tích cực đối với một thị trường trì trệ”.
Cơ quan này cũng dự kiến, những gián đoạn do sự gia tăng số ca mắc COVID ở Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động kinh tế cho đến quý đầu tiên của năm 2023.
Giá thép trong nước chờ tín hiệu tích cực
Thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong đầu năm tới bởi thông thường, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ.
Với sự phục hồi của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép trong nước đã rục rịch điều chỉnh giá, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất.
Nhu cầu thép trong năm 2023 có thể tăng mạnh hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cao. Tuy nhiên, với hi vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi.