Giá thép trong nước đồng loạt giảm đợt thứ 3 liên tiếp trong tháng 5
Sáng 30/5, một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM cho hay giá sắt thép các loại được nhiều doanh nghiệp công bố giảm khoảng 200.000 đồng/tấn. Các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 270.000 – 500.000 đồng/tấn. Đây là đợt giảm lần thứ ba chỉ từ đầu tháng 5 đến nay. Như vậy, hiện giá thép xây dựng đang dao động từ 17,5 - 18,6 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế giá trị giá tăng).
Tính chung trong tháng 5, giá thép các loại đã giảm từ 700.000 đồng - 1,1 triệu đồng/tấn, đưa giá hạ nhiệt so với đỉnh cao trong tháng 3. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá trong nước giảm mạnh do giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ tháng 4 đến nay.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng. Theo đó, giá thép cuộn CB240 giảm 370.000 đồng/tấn, xuống còn 17,4 – 17,5 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 270.000 – 370.000 đồng/tấn, dao động 17,9 - 18 triệu đồng/tấn.
Đối với thương hiệu thép Việt Đức, giá thép cuộn CB240 giảm 490.000 – 500.000 đồng/tấn, hiện ở mức 17,3 – 17,5 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 390.000 đồng/tấn, xuống còn gần 18 triệu đồng đồng/tấn.
Tương tự, thép Pomina cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với hai dòng thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống còn gần 18,3 triệu đồng/tấn và gần 18,6 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật cũng điều chỉnh giảm 340.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống còn gần 17,4 triệu đồng/tấn và giảm 440.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, hiện có giá 17,6 triệu đồng/tấn.
Thông thường, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, giá thép thường tăng cao. Tuy nhiên, năm nay giá thép lại liên tục lao dốc, có ba đợt giảm liên tiếp trong tháng 5.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại.
Cụ thể, giá quặng sắt loại (62% Fe) ngày 9/5 giao dịch ở mức 139 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (210 - 212 USD/tấn).
Giá thép phế liệu loại HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR Đông Á ngày 9/5 giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4.
Một nguyên nhân khác là các nhà phân phối đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.
Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi tiêu thụ trong nước yếu thì xuất khẩu thép xây dựng trong tháng 4 cũng giảm mạnh tới 44% so với trước. Những yếu tố này khiến thị trường thép xây dựng trong nước hạ nhiệt nhanh chóng.
Giá sắt thép xây dựng tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải
Giá thép ngày 30/5 giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 51 nhân dân tệ lên mức 4.612 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Sau đợt tăng giá trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/3/2022), xuất khẩu thép từ Ấn Độ hiện đang chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt ở thời điểm hiện tại, The Hindu Business Line đưa tin.
Nguyên nhân là do áp lực suy thoái toàn cầu, số lượng đơn đặt hàng ít hơn từ các thị trường chính, song song đó là giá cả trên thị trường đang ở mức khá cạnh tranh.
Cụ thể, xuất khẩu giảm 22% so với cùng kỳ trong tháng 4 và là tháng giảm thứ hai liên tiếp kể từ tháng 3. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm giảm 8% so với cùng kỳ.
Ấn Độ đã xuất khẩu 743.000 tấn thép thành phẩm trong tháng 4 so với mức 952.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong năm tài chính trước, xuất khẩu tăng 25% so với cùng kỳ lên 13,5 triệu tấn.
Theo dữ liệu từ Bộ Thép Ấn Độ, trong tháng trước, số đơn đặt hàng từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Nepal đã giảm từ 12% đến 42%. Tuy nhiên, giá từ các nhà máy Ấn Độ đã tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, xuất khẩu sang Bỉ giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 76.900 tấn; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ giảm 18% xuống 87.400 tấn. Tương tự, Nepal giảm gần 12% xuống 46.700 tấn.
Tính thêm các khu vực địa lý lớn khác, các nhà máy Ấn Độ đã chứng kiến mức giảm tổng cộng 29% đối với lượng thép xuất khẩu, xuống còn 334.000 tấn.
Italia là điểm đến xuất khẩu hàng đầu trong tháng 4, với khoảng 130.500 tấn, tăng 3,7%. Trong khi đó, Việt Nam - khách hàng mua thép lớn nhất của Ấn Độ trong năm tài chính 22 - là thị trường lớn thứ 4 với 67.000 tấn.
Các chủ nhà máy cho biết, các đơn chào hàng của Ấn Độ vào thị trường Việt Nam đã giảm bớt trong hai tháng nay do giá trong khu vực đang ở mức thấp hơn.
Giá và nhu cầu thép tại Việt Nam đang giảm do đó các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục hạn chế. Tuy nhiên, một nguồn tin thương mại nhận định, các đơn đặt hàng sẽ cải thiện khi Trung Quốc mở cửa trở lại.