Giá sắt thép xây dựng tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải
Giá thép ngày 8/12 giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 5 nhân dân tệ lên mức 3.815 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Tư (7/12), giá quặng sắt kỳ hạn kéo dài đà giảm, với hợp đồng DCIOcv1 giao tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) đã kết thúc giao dịch trong ngày thấp hơn 1,9% xuống 765 nhân dân tệ/tấn (tương đương 109,63 USD/tấn), Reuters đưa tin.
Nguyên nhân là do dữ liệu thương mại tháng 11 kém hơn mong đợi của Trung Quốc làm giảm kỳ vọng về một sự thay đổi lớn trong chính sách ngăn chặn COVID của Bắc Kinh, trong khi sự thận trọng cũng xuất hiện trước các dấu hiệu cho thấy thị trường đang mua quá mức.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm với tốc độ mạnh nhất trong ít nhất 2,5 năm vào tháng trước trong bối cảnh nhu cầu yếu ở trong và ngoài nước, với suy thoái kinh tế toàn cầu đang đe dọa triển vọng thương mại năm 2023.
Giá quặng sắt trên Sàn DCE đã tăng khoảng 10% trong quý này, được thúc đẩy bởi chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Trung Quốc dành cho các nhà phát triển bất động sản trong nước đang gặp khó khăn và việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Cũng trong hôm thứ Tư, Trung Quốc đã công bố một sự thay đổi lớn trong chính sách chống COVID cứng rắn đã tác động xấu đến nền kinh tế và gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố. Tuy nhiên, lo ngại về sự gia tăng đột biến các ca mắc mới vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn.
Lượng thép tiêu thụ toàn ngành giảm về mức thấp nhất trong 2 năm
Theo VSA, kinh tế Việt Nam trong 10 tháng đầu năm khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt nhiều khó khăn có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Lượng tiêu thụ thép về đáy trái với dự báo khả quan trong mùa cao điểm cuối năm. Giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình... ngày càng cao, tuy nhiên nhóm này chiếm tỷ trọng không quá lớn.
Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản...
Với xuất khẩu, biến động kinh tế thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh. Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết có doanh nghiệp gần như không còn đơn hàng đặt tại một số quốc gia. Nhiều công ty như Pomina, Hòa Phát, Hoa Sen... đã phải dừng một số nhà máy để giảm áp lực tồn kho.