Giá thép thế giới tiếp tục tăng nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 7 đồng nhân dân tệ lên 3.769 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00, ngày 01/09, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Tại Bắc Mỹ, sản lượng thép thô trong tháng 7 của Mỹ đã giảm 29,4% xuống còn 5,2 triệu tấn.
Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề ngành công nghiệp thép của nước Mỹ, đặc biệt là đối với thị trường tiêu dùng, xây dựng và sản xuất ô tô.
Nhu cầu tiêu thụ thấp đã buộc các nhà máy thép trong nước phải cắt giảm sản lượng và giảm công suất xuống mức thấp nhất trong năm nay.
Trong khi đó, sản lượng thép thô ở Canada giảm 24,5% xuống còn 0,8 triệu tấn. Còn tại Mexico, khối lượng thép thô sản xuất giảm 22,6% xuống còn 1,2 triệu tấn. Tổng sản lượng thép ở Bắc Mỹ giảm 28% xuống còn khoảng 7,2 triệu tấn trong tháng 7 năm nay.
Ở Trung Đông, tổng sản lượng thép thô sản xuất đã giảm 0,8% xuống còn 3,2 triệu tấn trong cùng kì. Iran, nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực, ghi nhận mức tăng 14,4% lên ngưỡng 2,3 triệu tấn.
Trong khi đó, các nước châu Phi điều chỉnh giảm 12% xuống còn 0,9 triệu tấn trong tháng 7/2020, Zacks đưa tin.
Thị trường thép không gỉ thế giới được đánh giá có triển vọng khá lạc quan vào thời gian còn lại của năm 2020. Việc nới lỏng đi lại và các biện pháp mở cửa nền kinh tế của nhiều quốc gia đã giúp hoạt động mua bán, giao dịch sản phẩm thép không gỉ gia tăng đều đặn hàng tháng.
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường thừa nhận rằng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép không gỉ sẽ khó có khả năng quay trở lại như mức trước đại dịch COVID-19 trong những tháng cuối năm.
Việc tăng giá niken đã khiến các nhà sản xuất thép không gỉ tăng chi tiêu đầu vào trong một vài tháng trở lại đây. Điều này đã khiến giá thép không gỉ có sự khác biệt giữa các khu vực trên thế giới trong tháng 8.
Tại Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, các nhà sản xuất thép đã nhanh chóng thông qua việc tăng chi phí niken, bất chấp nhu cầu giảm do tác động của đại dịch COVID-19 và mùa mưa. Tuy nhiên, các dấu hiệu về sự gia tăng giá bán đang tạo niềm tin cho người mua ở châu Á.
Trong vài tháng qua, nhiều thương nhân và nhà phân phối chỉ mua để đáp ứng nhu cầu thép trước mắt. Tuy vậy, nhiều nhà sản xuất thép kì vọng rằng xu hướng tăng giá có thể thúc đẩy hoạt động tái cung ứng nhiều hơn trong thời gian tới.
Còn tại Châu Âu, người ta tin rằng giá thép không gỉ hiện đã chạm đáy của chu kì hiện tại. Nhiều khả năng các nhà sản xuất sẽ cố gắng nâng giá từ tháng 9 trở đi.
Trong khi đó, thị trường Mỹ tiếp tục vật lộn với số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng cao. Trong tháng 8, giá thép không gỉ ghi nhận mức tăng nhẹ, tuy vậy nhu cầu tổng thể vẫn ở mức thấp.
Một số người tham gia thị trường lạc quan về tốc độ phục hồi giá sắt thép sẽ được cải thiện sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 tới, theo thông tin từ Meps.
Thép trong nước "khóc ròng" giữa mùa mưa
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 7 tháng của năm đã ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Cụ thể, sản xuất thép các loại giảm 6,9%; bán hàng giảm 9,6%; trong đó, xuất khẩu thép giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Hiệp hội Thép cho hay, thị trường thép toàn cầu có hy vọng khả quan hơn vào quý III/2020, nhưng sự tái bùng phát dịch COVID-19 đã cho thấy những thách thức.
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn do các quốc gia vẫn trong giai đoạn đóng cửa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và sự cạnh tranh do giá nguyên liệu.
Tại Việt Nam, tình hình tiêu thụ thép có khởi sắc trong giai đoạn sau giãn cách vào tháng 4 nhưng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, do thời điểm này bước vào mùa mưa nên việc tiêu thụ thép chậm lại. Tuy nhiên, điểm sáng là Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công giúp tăng nhu cầu.
Bên cạnh mức tiêu thụ giảm do dịch COVID-19 và bước vào mùa mưa, ngành thép cũng phải đối mặt với việc giá nguyên liệu sản xuất tăng cao.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, hiện giá nguyên liệu sản xuất thép 3 tháng gần đây đã tăng trở lại sau một thời gian giảm. Giá nguyên liệu sản xuất thép tăng đã gây sức ép lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm trong khi diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp.
Dù giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng lên từ nhiều tháng nay, nhưng giá bán trong nước tháng 7 vừa qua ở khoảng 11 triệu đồng/tấn, giảm so với các tháng trước. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất buộc phải giữ giá thành, hoặc giảm nhẹ để cạnh tranh thị phần.