Giá thép thế giới tăng nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 33 đồng nhân dân tệ lên 3.750 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00, ngày 31/08/2020, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association), sản lượng thép thô toàn cầu đạt mức 152,7 triệu tấn trong tháng 7, giảm 2,5% so với cùng kì năm ngoái, chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, chỉ riêng Trung Quốc đã sản xuất 93,4 triệu tấn thép thô, chiếm khoảng 61% tổng sản lượng thép thô trên toàn thế giới. Ngoài ra trong tháng 7, sản lượng thép của Trung Quốc cũng đánh dấu mức tăng 9% so với cùng kì năm 2019.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép toàn cầu chỉ đạt mức 1.027 triệu tấn, giảm 5,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi tại Trung Quốc, sản lượng thép sản xuất tăng 2,8% lên ngưỡng 593 triệu tấn.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc cũng chứng kiến mức tăng trưởng kỉ lục so với cùng kì năm ngoái.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, tổng khối lượng nhập khẩu quặng sắt tại nước này là 112,65 triệu tấn, tăng tới 24%. Còn trong 7 tháng đầu năm 2020, quốc gia tỉ dân đã nhập khẩu 659,6 triệu tấn quặng sắt, tăng 11,8% so với cùng kì năm trước.
Những con số này cho thấy Trung Quốc đang dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ khiến nhu cầu thép tăng cao tại quốc gia này trong thời gian tới.
Hiệp hội Thép Thế giới dự kiến, nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ tăng 1% trong giai đoạn cuối năm 2020. Lợi ích từ các dự án cơ sở hạ tầng được khởi xướng trong năm nay vẫn sẽ được duy trì, đồng thời thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép của năm 2021.
Trong khi thị trường tiêu thụ sắt thép tại Trung Quốc đang dần hồi phục thì tình hình dịch bệnh COVID-19 lại trầm trọng hơn ở Brazil - nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ hai thế giới. Điều này đã gây ra lo ngại về nguồn cung quặng sắt có thể bị suy giảm.
Với 3,79 triệu ca nhiễm và 117.756 người chết, Brazil hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch COVID-19, Zacks đưa tin.
Tại Ấn Độ, các công ty thép dự kiến sẽ tăng giá từ tháng 9 do chi phí sản xuất và giá quốc tế tăng cao hơn.
Ông Jayant Acharya, giám đốc bộ phận tiếp thị, thương mại và chiến lược doanh nghiệp tại JSW Steel cho biết, chênh lệch giữa giá sắt thép trong nước và quốc tế hiện tại là khoảng 8%.
Mức tăng từ tháng 9 có thể nằm trong khoảng 2.000 - 3.000 rupee/tấn. Từ quí II cho đến nay, giá thép tại Ấn Độ đã tăng khoảng 3.000 rupee/tấn, theo thông tin từ Business - Standard.
Việt Nam tiếp tục bị EC áp dụng biện pháp tự vệ 4 nhóm sản phẩm thép
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tháng 7/2020, Uỷ ban châu Âu (EC) đã công bố kết quả điều tra rà soát lần 2 việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu từ các vùng/lãnh thổ trong đó có Việt Nam.
Trong đó, EC kết luận sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan (TRQ) và áp thuế 25% ngoài hạn ngạch, đồng thời đưa ra một số điều chỉnh trong việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Cụ thể hạn ngạch phân bổ riêng cho từng quốc gia được chuyển từ phân bổ theo năm sang phân bổ theo quí; tiếp tục giữ cơ chế chuyển hạn ngạch không sử dụng hết trong quý này sang quý sau và thay đổi cơ chế tiếp cận hạn ngạch chung dành cho các nước khác của các quốc gia được phân bổ hạn ngạch riêng.
Căn cứ vào kết luận nêu trên, Việt Nam tiếp tục bị áp dụng biện pháp tự vệ đối với 4 nhóm sản phẩm bị điều tra: nhóm 2 (thép tấm cán nguội), nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng), nhóm 9 (thép tấm không gỉ), nhóm 24 (ống thép đúc).
Đáng lưu ý là trong lần rà soát này, EC đã bổ sung nhóm 5 vào nhóm các sản phẩm từ Việt Nam bị áp dụng biện pháp tự vệ do thị phần nhập khẩu sản phẩm nhóm này đã tăng lên 4,87% trong năm 2019 và loại trừ nhóm 4A (thép tấm mạ kim loại dành cho ô tô) do thị phần nhập khẩu sản phẩm thuộc nhóm này đã giảm còn 1,23% trong năm 2019.
Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục tăng
Theo ước tính, thép xây dựng sẽ tăng giá thêm 150.000 đồng/tấn so với hiện tại, đưa giá thép hầu hết các sản phẩm vượt lên trên 15 triệu đồng/tấn. Giữa tháng 6 vừa qua, thép xây dựng cũng có đợt tăng giá khoảng 200.000 đồng/tấn. Việc tăng giá bán đều được giải thích do giá nguyên liệu thế giới tiếp tục tăng từ đầu tháng 6 đến nay như phế liệu tăng thêm khoảng 30 USD/tấn; Tập đoàn Giang Tô Shagang, nhà sản xuất thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã tăng giá bán thép thanh và thép cuộn trong nước từ giữa tháng 6 thêm 50 NDT/tấn (khoảng 7 USD/tấn); ở Nhật Bản, Tokyo Steel tăng giá niêm yết sản phẩm dầm, thép thanh và thép cuộn thêm lần lượt 5.000 yên/tấn (khoảng 47 USD/tấn) cho bán hàng tháng 7…
Tại Việt Nam, Hiệp hộp thép Việt Nam cho biết Formosa Hà Tĩnh đưa ra giá mới cho lô hàng tháng 8 tới khách hàng trên cơ sở cá nhân, như đã thực hiện trong tháng 5, với giá thép cán nóng tăng thêm 25 USD/tấn so với tháng trước đó.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nhận định giá nguyên liệu thép thế giới tăng liên tục nên bắt buộc giá bán trong nước cũng phải đi lên, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động khiến sức tiêu thụ sản phẩm này sụt giảm. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình tiêu thụ thép các loại của các doanh nghiệp đạt hơn 10,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,85 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo dự báo của VSA, tiêu thụ ngành thép trong nước và thế giới vẫn tiếp tục đứng ở mức thấp.