Giá thép thế giới giảm nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 24 đồng nhân dân tệ xuống 3.820 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00, ngày 8/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Sản lượng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7 đã đạt mức kỉ lục, tăng hơn 24% so với một năm trước đó. Nguyên nhân là do những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ sau thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7 vừa qua, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 112,65 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thép.
Con số này tăng 10,8% so với 101,68 triệu tấn trong tháng 6 và cao hơn 91,2 triệu tấn so với thời điểm tháng 7 năm 2019.
Cũng theo dữ liệu thống kê từ Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 659,6 triệu tấn quặng sắt, tăng 11,8% so với cùng kì năm ngoái.
Bên cạnh đó, Hợp đồng giao dịch quặng sắt tương lai tại Trung Quốc cũng tăng hơn 14% trong tháng trước. Dự kiến, giá sắt thép của nước này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tỉ lệ sử dụng công suất trung bình của các lò cao tại 163 nhà máy ở Trung Quốc đạt khoảng 86% trong tháng 7, giảm nhẹ so với 86,4% của tháng 6. Tuy nhiên, con số này hiện vẫn giữ ở mức tương đối cao, theo dữ liệu từ Mysteel.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đảo chiều giảm sau những cảnh báo về việc giá tăng mạnh một cách vô lý. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá đã tăng nhiều nhất kể từ tháng 5, với lý do nhu cầu mạnh trên thị trường nội địa. Sàn giao dịch Đại Liên ngày 7/8 đã cảnh báo các nhà đầu tư của mình về việc đầu tư vào mặt hàng quặng sắt lúc này là vô lý giữa bối cảnh thị trường và giá gần đây rất bất ổn, đồng thời lên kế hoạch ngăn chặn những giao dịch bất thường.
Cũng trong tháng 7, sản lượng nhập khẩu thép tại quốc gia tỉ dân là 2,61 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2014. Trong khi đó, xuất khẩu thép của nước này đạt 4,2 triệu tấn, giảm 25% so với cùng kì năm ngoái, Reuters đưa tin.
Còn tại Mỹ, trong hôm 6/8, Tổng thống Donald Trump đã kí một tuyên bố áp đặt lại thuế quan của nước này đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Canada. Theo đó, kể từ ngày 16/8, nhập khẩu nhôm không gia công của Mỹ sẽ quay lại mức thuế quan là 10%.
Vào năm 2018, Chính quyền Trump từng áp thuế 10% đối với hoạt động nhập khẩu nhôm sơ cấp, còn nhập khẩu thép là 25%. Riêng Canada và Mexico được miễn thuế kể từ năm 2019, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada diễn ra thành công.
Canada hiện là nhà xuất khẩu nhôm không gia công lớn nhất tại Mỹ, chiếm khoảng 75% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020.
Nhập khẩu sắt thép trong nước 6 tháng đầu năm 2020 giảm cả lượng, kim ngạch và giá
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước nhập khẩu 6,7 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương trên 4,01 tỷ USD, giá trung bình 599,1 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với 6 tháng đầu năm 2019, với mức giảm tương ứng 6,2%, 16,6% và 11,2%.
Riêng tháng 6/2020 nhập khẩu 1,19 triệu tấn, tương đương 653,1 triệu USD, giá trung bình 548,1 USD/tấn, tăng 14,3% về lượng, tăng 3,4% về kim ngạch, nhưng giảm 9,5% về giá so với tháng 5/2020.
Sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, đạt 2,26 triệu tấn, tương đương 1,37 tỷ USD, giá trung bình 605,9 USD/tấn, chiếm trên 34% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm 25,5% về lượng, giảm 28,7% về kim ngạch và giảm 4,3% về giá so với 6 tháng đầu năm 2019.
Sắt thép nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt 1,19 triệu tấn, tương đương 693,93 triệu USD, giá 583,3 USD/tấn, tăng 19,1% về lượng, tăng 1,4% về kim ngạch nhưng giảm 14,9% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước,
Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 816.863 tấn, tương đương 609,22 triệu USD, giá 745,8 USD/tấn, giảm 1% về lượng, giảm 9,7% về kim ngạch và giảm 8,8% về giá so với cùng kỳ năm 2019; chiếm 12,2% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch.
Sắt thép nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ mặc dù sản lượng lớn 1,11 triệu tấn, nhưng giá rẻ 437,6 USD/tấn, nên kim ngạch chỉ đạt 484,18 triệu USD, tăng mạnh 73,2% về lượng, tăng 39,9% về kim ngạch nhưng giảm 19,3% về giá so với cùng kỳ năm 2019.
So sánh nhập khẩu sắt thép trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019 thì thấy đa số các thị trường bị sụt giảm cả về lượng và kim ngạch; trong đó nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh nhất, giảm 96% cả về lượng và kim ngạch, chỉ đạt 1.701 tấn, tương đương 1,19 triệu USD; nhập khẩu sắt thép từ Brazil cũng giảm 85,4% về lượng và giảm 89% về kim ngạch, đạt 17.277 tấn, tương đương 6,92 triệu USD; Bỉ giảm 59,9% về lượng và giảm 84,6% về kim ngạch, đạt 5.462 tấn, tương đương 2,91 triệu USD.
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng cao từ một số thị trường: Ba Lan tăng 1.705% về lượng và tăng 1.379% về kim ngạch, đạt 686 tấn, tương đương 0,82 triệu USD; Canada tăng 167,9% về lượng và tăng 116% về kim ngạch, đạt 1.267 tấn, tương đương 0,58 triệu USD.