Giá thép thế giới tiếp đà giảm
Giá thép ngày 10/12, giá thép giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 20 nhân dân tệ xuống mức 4.313 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ của các hoạt động xây dựng do COVID-19 trong một năm, ngành thép Ấn Độ đã phục hồi trở lại và đã báo cáo mức tăng trưởng 25,6% trong sản xuất thép thô trong 8 tháng năm 2021.
Theo dữ liệu của chính phủ, sản lượng thép thô của nước này đạt 77,74 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2021, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Infomerics Valuation and Rating, cùng với sản lượng cao hơn, xuất khẩu thép của Ấn Độ trong năm tài chính 2022 cũng dự kiến vượt qua năm tài chính 2021.
Trong đó, xuất khẩu đã vượt qua 70% mức của năm tài chính 2021. Mặt khác, nhập khẩu dự kiến sẽ duy trì xu hướng giảm. Đây là một dấu hiệu cho thấy nước này đang tiến lên theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp.
Mặc dù xảy ra căng thẳng biên giới với Trung Quốc, ngành thép Ấn Độ đã chứng kiến dòng chảy thương mại bền vững với quốc gia này. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm giá trị lên đến 16.369 rupee crore trong tổng 19.267 rupee crore xuất khẩu của Ấn Độ.
Hiện tại, Ấn Độ là trung tâm sản xuất ống thép lớn thứ ba trên thế giới và thép dạng ống chiếm từ 8% đến 10% sản lượng thép tiêu thụ.
Giá quặng sắt tại châu Á giảm trở lại từ mức cao nhất 6 tuần, được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách hỗ trợ của Trung Quốc.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên giảm 3,2% xuống 642,5 CNY (101,29 USD)/tấn, sau khi tăng 3 phiên liên tiếp.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore giảm 2,5% xuống 109,7 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62%Fe giao ngay sang Trung Quốc đạt 111 USD/tấn, giảm từ mức cao đỉnh điểm 6 tuần (111,5 USD/tấn) trong ngày 7/12/2021 và giảm 52% từ mức cao kỷ lục trong tháng 5/2021, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Giá thép trong nước giảm do nguyên liệu đầu vào đi xuống
Giá thép trong nước vừa được các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm xuống mức từ 15.860 đồng/kg – 16.390 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và từ 16.060 đồng/kg – 16.600 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300…
Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 37,1% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong tháng 9, thông báo thay đổi giá sản phẩm từ ngày 6/12. Theo đó, tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 16,66 triệu đồng/tấn, thấp hơn 400.000 đồng/tấn so với trước đó; loại cây D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn, xuống còn 16,41 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, CB240 có giá 16,65 triệu đồng/tấn so với 16,16 triệu đồng/tấn trước điều chỉnh; D10 CB300 cũng giảm xuống còn 16,26 triệu đồng/tấn.
Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 giảm 400.000 đồng/tấn, hiện ở mức 16,210 triệu đồng/tấn; D10 CB300 giảm 410.000 đồng/tấn, xuống còn 16,31 triệu đồng/tấn.
Với Việt Đức, cả CB240 và D10 CB300 đều thấp hơn 410.000 đồng/tấn, lần lượt còn 16,24 triệu đồng/tấn và 16,54 triệu đồng/tấn. Giá thép các bên khác như Kyoei và Việt Nhật cũng đều giảm.
Gần đây nhất vào ngày 16/11, trước tình hình nguyên liệu đầu vào đi xuống, các doanh nghiệp thép trong nước cũng có giảm giá bán lần đầu trong năm. Nguyên nhân khiến giá thép giảm là nguyên liệu đầu vào đi xuống. Theo Trading Economics, giá quặng 62% Fe giảm 40% so với mức đỉnh tháng 7.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng/2021, cả nước nhập khẩu gần 1,24 triệu tấn sắt thép, tương đương 1,3 tỷ USD, giá trung bình đạt 1.047,5 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng, nhưng tăng 22% kim ngạch và tăng 48% về giá so với 10 tháng/2020.
Riêng tháng 10/2021, nhập khẩu 841.767 tấn sắt thép, tương đương trên 923,97 triệu USD, giá trung bình 1.097,7 USD/tấn, tăng 3,4% về lượng, nhưng giảm nhẹ 1,1% về kim ngạch, giảm 4,3% về giá so với tháng 9/2021; so với tháng 10/2020 thì giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 55,7% kim ngạch và tăng 68% về giá.
Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 4,58 triệu tấn, tương đương 3,93 tỷ USD, giá 856,8 USD/tấn, tăng mạnh 53,4% về lượng, tăng 106,4% về kim ngạch, tăng 34,6% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 43,5% trong tổng lượng và chiếm 40,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Đứng sau thị trường chủ đạo Trung Quốc là thị trường Nhật Bản đạt 1,54 triệu tấn, tương đương 1,37 tỷ USD, giá nhập khẩu 889,3 USD/tấn, giảm 29,4% về lượng nhưng tăng 15,6% về kim ngạch, tăng 63,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giá 1.047,5 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng, nhưng tăng 22% về kim ngạch và tăng 48% về giá so với 10 tháng đầu năm 2020, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 13,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.