Giá thép thế giới duy trì đà tăng
Giá thép ngày 7/12, giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 63 nhân dân tệ lên mức 4.456 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h15 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Ngày 6/12, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) và Sàn giao dịch Singapore (SGX) đồng loạt đi lên, song mức tăng bị giới hạn trước lo ngại kiểm soát sản lượng thép tại Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Cụ thể, giá quặng sắt giao tháng 5/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn DCE, kết thúc phiên giao dịch ban ngày cao hơn 1,6% ở mức 615,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 96,58 USD/tấn).
Trước đó trong phiên, hợp đồng này cũng đã được điều chỉnh tăng 4,2%.
Tương tự, hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn SGX cũng đã tăng 2,1% lên 103,70 USD/tấn. Mức cao nhất theo ghi nhận được trong phiên là 104,60 USD/tấn.
Nguyên nhân của sự gia tăng này là kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng ở Trung Quốc có thể hạn chế rủi ro giảm giá mà nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới này phải đối mặt.
Tâm lý chung vẫn lạc quan sau khi truyền thông nhà nước hôm thứ Sáu (3/12) dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng một cách kịp thời.
Tuy nhiên, cảnh báo ô nhiễm tại thành phố sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn, đồng nghĩa với việc cắt giảm sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp bao gồm thép, than cốc và những lo lắng các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã giúp các nhà đầu tư lạc quan.
Kỳ vọng của thị trường đang cho thấy, sản lượng thép trong nước sẽ tăng cao hơn sau Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022, khi các hạn chế có thể được dỡ bỏ một phần.
Giá thép trong nước liên tục giảm mạnh nhưng đà tăng chưa tắt
Kể từ ngày 16/11 đến nay, các doanh nghiệp thép có hai đợt điều chỉnh giá bán, tổng mức giảm lên tới 700.000 đồng/tấn. Nguyên nhân là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào đã hạ nhiệt.
Cụ thể, thép cây và thép cuộn các loại được điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn. Việc giảm giá thép dựa trên cơ sở giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt.
Sau giảm giá, giá thép trong nước vẫn còn cao. Một doanh nghiệp xây dựng cho biết đơn giá cho thép Hòa Phát mà họ đang chi trả vẫn dao động ở mức 16.660 - 16.760 đồng/kg (chưa VAT) tùy loại.
Trước đó, trong lần điều chỉnh giá gần nhất (16/11), các doanh nghiệp thép trong nước cũng đã giảm giá cả thép cây và thép cuộn các loại 300.000 đồng/tấn.
Việc giá thép, vật liệu tăng mạnh trong năm 2021 đã đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho biết ngành xây dựng hiện có trên hơn 2.000 nhà thầu.
"Các nhà thầu phải đối mặt với bão giá, giá thép có lúc tăng 40%. Nhiều loại nguyên vật liệu khác còn vừa tăng giá vừa khan hiếm. Trong cảnh bão giá nguyên vật liệu, nhà thầu xây dựng vừa khó tìm việc, vừa lại không dám nhận việc", ông Hiệp nói.
Những diễn biến của thị trường vật liệu đang tạo áp lực lớn với ngành xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết trước đó, ở các hợp đồng chỉ tính toán ở mức tăng giá trên dưới 5% bởi khi đấu thầu, nếu giá thép vẫn tăng 5% thì vẫn có lãi.
Nhưng vừa rồi, giá thép tăng tới 50%, mức tăng chưa từng có trong lịch sử. Không ít doanh nghiệp đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, đành để mặc dự án "đắp chiếu".
Trong các báo cáo về thị trường, các chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ giúp các dự án đầu tư công, bất động sản trở nên sôi động hơn khiến giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép sẽ tiếp tục neo cao.