Giá thép thế giới giảm
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 28 đồng nhân dân tệ xuống 3.671 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h00, ngày 10/9, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Thị trường thép toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi nhất quán cả về cung và cầu. Nhiều nhà sản xuất thép lớn ở Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và Châu Âu dần nâng sản lượng và giá bán đối với mặt hàng thép.
Giá chào bán thép xuất khẩu của Trung Quốc hiện cũng tăng đều đặn kể từ cuối tháng 5 theo xu hướng thị trường, sớm hơn vài tháng so với mức tăng ở các nơi khác trên thế giới do thị trường nội địa khá vững chắc.
Từ ngày 29/8 đến ngày 4/9, giá thép cuộn cán nóng SS400 4,75mm của Trung Quốc xuất khẩu trung bình ở mức 517 USD/tấn tại cảng Thiên Tân, tăng thêm 5 USD/tấn trong tuần.
Trong khi đó, giá thép cuộn cán nguội SPCC 1mm xuất khẩu tăng 13 USD/tấn lên mức 572 USD/ tấn, theo đánh giá hàng tuần của My Steel Global.
Một nhà phân tích tại Thượng Hải cho biết, các nhà sản xuất thép toàn cầu đã tích cực lên kế hoạch nối lại và đẩy mạnh sản lượng thép, điều này đã thúc đẩy giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao.
Kết quả là các nhà máy thép phải tăng giá chào bán thép thành phẩm để phản ánh chi phí sản xuất cao, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều.
Mặc dù giá chào bán cao hơn nhưng các nhà cung cấp thép Trung Quốc vẫn đã đạt được các thỏa thuận đối với thép cuộn, tấm cán nguội và thép cuộn cán nóng, theo My Steel Global.
Ngược lại, nhập khẩu thép của Trung Quốc đã giảm nhiệt so với xu hướng mua vào tháng 7. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nhập khẩu tăng quá nhanh và giá sắt thép của một số sản phẩm đã vượt qua nguồn cung trong nước.
Thị trường thép Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm mạnh về sản lượng trong tháng 10 và trọng tải có thể trở lại mức bình thường vào tháng 11, dự kiến vào khoảng 1 triệu tấn/tháng.
Theo báo cáo, nhập khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 8 đạt tổng cộng 2,24 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức cao kỉ lục hàng tháng là 2,6 triệu tấn vào tháng 7.
Ngành thép Trung Quốc đang được hưởng lợi nhiều hơn cả khi nền kinh tế nước này dẫn đầu trong việc bước ra từ cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19
Nguồn cung ra thị trường thép cũng đã dần theo kịp nhu cầu tiêu dùng, khiến cho kho dự trữ thép của Trung Quốc ngày càng giảm sút.
Sản lượng quốc gia đã phá kỉ lục khi đứng đầu 90 triệu tấn trong ba tháng qua. Trước kia, Trung Quốc thường chiếm khoảng một nửa lượng thép của thế giới, nhưng con số này đã tăng lên 62% vào tháng 4.
Nhu cầu thép có thể tăng 3-5% năm 2021
Báo cáo mới nhất công bố hồi cuối tháng 8/2020 của SSI Research dự tính nhu cầu thép trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4-5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép).
Theo thống kê, sản lượng tiêu thụ phục hồi tích cực trong quý II/2020, do nhu cầu từ mảng dân dụng gia tăng. So với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý I/2020, mức giảm 1% so với cùng kỳ trong quý II/2020 có thể được coi là một dấu hiệu phục hồi.
Thậm chí, nhu cầu thép trong nước trong quý II/2020 còn tăng lên 1% so với cùng kỳ, trong khi quý I/2020 giảm 13%. SSI Research cho rằng điều này là do nhu cầu dồn nén từ quý I cũng như sức tiêu thụ thu ổn định trong kênh xây dựng dân dụng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ đối với sản phẩm thép thành phẩm giảm 7% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 6%. Sản lượng xuất khẩu giảm mạnh hơn ở mức 13% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội tại một số thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, SSI Research cho biết, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020, và tăng 2% cho cả năm 2020.
Trong năm 2021, SSI Research ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Trước đó hồi tháng 6/2020, Hiệp hội thép thế giới đã dự báo, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam.
Cụ thể, Worldsteel dự báo sản lượng thép thô toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 1,65 tỷ tấn, sau đó tăng 3,8% lên 1,71 tỷ tấn vào năm 2021.