Giá thép thế giới giảm nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 5 đồng nhân dân tệ xuống 3.746 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00, ngày 08/09, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu quặng sắt trong tháng 8 của của nước này đã giảm 10,9% so với một tháng trước đó. Nguyên nhân là do các công ty khai thác lớn có ít lô hàng hơn và hoạt động vận chuyển tại cảng đang bị tắc nghẽn.
Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 100,36 triệu tấn quặng sắt trong tháng 8, giảm khoảng 12 triệu tấn so với ghi nhận cuối tháng 7. Tuy vậy, con số này lại tăng 5,8% so với mức nhập khẩu cùng kì năm ngoái.
Tuy vậy, sản lượng nhập khẩu quặng sắt có xu hướng tăng so với một năm trước đây do nhu cầu thép tương đối ổn định. Theo Mysteel, tỉ lệ sử dụng công suất tại 163 nhà máy thép của Trung Quốc cuối tháng 8 vừa qua là 86,21%, tăng 1,25% so với cùng kì năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 759,91 triệu tấn quặng sắt, tăng 11% so với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019. Dự kiến, giá sắt thép tại quốc gia này sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới.
Dữ liệu Hải quan hôm thứ Hai (7/9) cũng cho thấy xuất khẩu thép của nước này đạt 3,68 triệu tấn trong tháng 8, giảm 0,52 triệu tấn so với tháng 7. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 5,01 triệu tấn của tháng 8 năm ngoái, Reuters đưa tin.
Tại Ấn Độ, một số nhà sản xuất thép lớn tại nước này hiện đang hoạt động chỉ với 50% công suất. Con số này có thể tăng lên 80% trong tháng 3/2021 chỉ khi nhu cầu tiêu thụ trong nước được cải thiện.
Các công ty tại Ấn Độ đang xem xét các thị trường xuất khẩu nổi tiếng trên thế giới như Đông Nam Á, Trung Đông hay Trung Quốc - một trong những khách hàng chính của ngành thép Ấn Độ thời gian gần đây.
Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020, tổng sản lượng thép xuất khẩu của Ấn Độ đạt mức khá khiêm tốn là 3,26 tấn. Thực tế là hoạt động xuất khẩu có ít lợi thế hơn bán hàng trong nước do thép trong nước được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu ngang giá và chống bán phá giá.
Trong khi đó, ngành xuất khẩu thép Ấn Độ lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Hàn Quốc, những nơi có mức giá thấp hơn, theo India Infoline News Service.
Thị trường thép trong nước dự báo sẽ hồi phục
Thống kê của VSA cho thấy, trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt hơn 2.106.562 tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ năm 2019. Bán hàng thép các loại đạt 1.955.784 tấn, tăng 11,25% so với tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu (XK) thép các loại đạt 424.734 tấn, tăng 41,37% so với tháng trước, và tăng 16,2% so với cùng kỳ tháng 7/2019.
Nhìn chung, sau khi giảm sâu trong nửa đầu năm, sản xuất thép đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mức tiêu thụ thép gia tăng là do nhu cầu dồn nén từ quý I cũng như sức tiêu thụ ổn định trong kênh xây dựng dân dụng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Cũng theo Công ty Chứng khoán SSI, thị trường thép trong các tháng tới sẽ theo chiều hướng tích cực. Lý do, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Một tín hiệu đáng mừng kể từ tháng 7/2020, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện hơn.
Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, nửa cuối năm 2020, mức tiêu thụ thép của nước này ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2019, và tăng 2% cho cả năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam XK sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thép XK của Việt Nam. 7 tháng đầu năm, Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất của thép Việt Nam với 1,46 triệu tấn, tương đương 585,39 triệu USD, giá trung bình 401,4 USD/tấn, tăng mạnh 1.833% về lượng, tăng 1.410% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công vẫn còn rẻ. Do đó, khi các DN FDI vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Đây sẽ là cơ hội để ngành thép đẩy mạnh tiêu thụ sau một thời gian khó khăn do nhu cầu sụt giảm.
Trong năm 2021, SSI ước tính nhu cầu về thép sẽ tăng khoảng khoảng 3%-5% so với mức cơ sở trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam.