Giá thép thế giới giảm mạnh
Giá thép ngày 12/1 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 103 nhân dân tệ xuống mốc 4.301 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Hai (11/1), hợp đồng các sản phẩm thép kỳ hạn của Trung Quốc đồng loạt giảm. Trong đó, thép không gỉ đã giảm xuống mức thấp hơn biên độ dao động giá trên thị trường, Reuters đưa tin.
Giá thép thanh vằn giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,8% xuống còn 4.348 nhân dân tệ/tấn (tương đương 672 USD/tấn).
Kết thúc phiên giao dịch, thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 4,2% xuống mốc 4.458 nhân dân tệ/tấn.
Tương tự, giá thép không gỉ giao tháng 3/2021 ghi nhận mức 13.930 nhân dân tệ/tấn, giảm 5% so với giao dịch trước đó.
Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất thép cũng có xu hướng đi xuống. Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm 1,7% xuống còn 1.046 nhân dân tệ/tấn.
Than cốc điều chỉnh giảm 3,8%, ghi nhận mốc 2.844 nhân dân tệ/tấn. Trái lại, giá than luyện cốc lại tăng nhẹ 1% lên mức 1.782 nhân dân tệ/tấn.
Theo Mysteel, tỷ lệ sử dụng công suất tại 163 lò cao trên khắp Trung Quốc đã giảm xuống còn 83,3% vào tuần trước. Đây là mức sử dụng thấp nhất kể từ ngày 10/4/2019.
Nguyên nhân xuất phát từ lượng tồn kho chất đống do nhu cầu theo mùa giảm bớt, trong khi số người nhiễm COVID-19 trong nước tăng lên một cách chóng mặt.
Dữ liệu từ Công ty tư vấn Mysteel cho thấy, tính đến ngày 7/1, dự trữ kim loại công nghiệp và tồn kho thép cây xây dựng của Trung Quốc đã tăng tuần thứ hai liên tục, lần lượt tăng 5% so với tuần trước đó.
Vào ngày 10/1, Trung Quốc đã báo cáo 103 trường hợp nhiễm COVID-19 mới. Đây là mức tăng hàng ngày lớn nhất trong hơn 5 tháng qua.
Trong đó, tỉnh Hà Bắc, nơi sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, ghi nhận 82 ca, chiếm đến 96% trong tổng số ca nhiễm được xác nhận. Tình trạng này dấy lên lo ngại về quá trình sản xuất và hậu cần tại các nhà máy thép.
Cuối năm, giá thép xây dựng tăng “phi mã”
Bắt đầu tăng giá từ tháng 11/2020, thép xây dựng ở các thị trường liên tục “phi mã” trong tháng đầu tiên của năm 2021, đạt giá trung bình 16 - 17 triệu đồng/tấn.
Theo đánh giá của giới kinh doanh thì hiện tượng thép tăng giá nằm trong quy luật chung của các năm. Bình thường từ cuối năm đến những tháng đầu năm sau (khoảng đến tháng 4 dương lịch) thì nhu cầu xây dựng dân dụng nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thép các loại.
Cuối năm 2020 nối sang đến đầu năm nay, do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thông thương giữa các nước khó khăn, trong khi sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên Hà Tĩnh thực hiện kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, cùng một lúc rất nhiều công trình, dự án đã được khởi động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có thép xây dựng sôi động hơn.
Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Viết Hải Nguyễn Duy Tùng cho biết: “Suốt từ đầu năm đến tháng 11/2020, giá thép liên tục xuống và đạt “chạm đáy”, tuy nhiên kể từ tháng 11/2020 đến nay thì tăng liên tục. Giá bán của công ty vào tháng 1/2021 đạt từ 16 - 17 triệu đồng/tấn, tăng 4 - 5 triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng 11. So với nhu cầu như hiện nay thì khả năng giá thép vẫn sẽ còn tăng trong những tháng đầu năm 2021”.
Điều đáng nói, giá cao nhưng vẫn không có hàng để bán. Khảo sát một số đại lý phân phối và kinh doanh thép trên địa bàn tỉnh, giá các loại thép không có nhiều khác biệt và khá khan hàng. Một số loại phi 14, phi 16 thép TISCO và KSVC, gần như luôn phải chờ hàng.
Bảng giá thép ngày 12/1/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam