Giá thép xây dựng hôm nay 7/1/2021: Giá thép tăng cao bất thường, liên tục thiết lập mốc mới

(VOH) - Giá thép ngày 7/1 tiếp tục tăng trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam và cập nhật giá thép thế giới, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao bất thường.

Giá thép thế giới đi lên

Giá thép ngày 7/1 giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 32 nhân dân tệ lên mốc 4.413 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).

Giá thép xây dựng hôm nay 7/1/2021
Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Thép không gỉ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 3 tuần, tiếp tục tăng bởi nhu cầu mạnh đồng thời tồn kho ở mức thấp.

Hợp đồng thép không gỉ tại Thượng Hải đóng cửa tăng 1,6% lên 14.030 CNY (2.172,84 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 14.165 CNY, cao nhất kể từ giữa tháng 12/2020.

Nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết thị trường giao ngay hiện nay đang khan hiếm và nhu cầu tốt.

Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đảo ngược chiều giảm trước đó, đóng cửa tăng 0,3% lên 1.033,5 CNY/tấn.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 2 tại Singapore giảm 0,1% sau 3 phiên tăng liên tiếp.

Những lo ngại kéo dài về nguồn cung quặng sắt khan hiếm đẩy giá giao ngay tại Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, tăng lên gần 170 USD/tấn, theo công ty tư vấn SteelHome.

Ngành thép Ấn Độ đang tìm cách giảm thuế hải quan cơ bản đối với các nguyên liệu thô chính như than antraxit, than cốc luyện kim, than luyện cốc và than điện cực graphit trong ngân sách dự chi sắp tới.

Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) cho biết, việc không có sẵn những mặt hàng nêu trên với chất lượng và số lượng tốt sẽ cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thép trong nước.

Trong các khuyến nghị của mình, CII cũng đã đề xuất bỏ thuế nhập khẩu đối với than luyện cốc, hiện là 2,5%.

Cơ quan công nghiệp cho biết, nguồn cung than luyện cốc nội địa hiện không đủ. Do đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thì buộc phải nhập khẩu số lượng lớn.

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu cũng sẽ giúp hợp lý hóa cơ cấu thuế đối với than cốc, là sản phẩm cuối cùng của than luyện cốc, theo PTI.

Giá thép tăng cao bất thường, liên tục thiết lập mốc mới

 Theo Hiệp hội Thép Việt Nam và cập nhật giá thép thế giới, giá các loại nguyên liệu sản xuất thép tăng cao bất thường, từ cuối năm 2020 và liên tục thiết lập mốc giá mới.

Giá quặng sắt nhập khẩu và giá thép phế liệu nhập khẩu để sản xuất các mặt hàng sắt thép thành phẩm thời điểm từ khoảng tháng 9/2020 đến nay đã tăng khoảng trên 30% so với thời điểm đầu năm 2020.

Trong khi đó, giá thép phế liệu nội địa cũng tăng từ 7.500 đồng/kg hồi tháng 1 lên 9.500 đồng/kg, tăng 26,6%.

Các loại nguyên liệu sản xuất thép có giá cao đã dẫn đến giá thép cuộn cán nóng HRC liên tục tăng cao từ tháng 8 và đạt đỉnh vào thời điểm cuối tháng 12 ở mức trên 700 USD/tấn.

Còn thép xây dựng thành phẩm trong nước có giá bình quân khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg thời điểm đầu tháng 12/2020 đến nay, tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Thực tế, giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và xây dựng, tiêu thụ thép.

Khảo sát tại các đại lý bán lẻ mặt hàng sắt, thép xây dựng tại Hà Nội, thời gian này, các mặt hàng sắt thép từ các nhà máy liên tục có thông báo thay đổi giá.

Theo chủ các đại lý, việc tăng giá thép cuối năm mang tính chu kỳ, tuy nhiên, năm nay giá thép có yếu tố bất thường hơn, do lượng thép thành phẩm nhập khẩu khó, thép trong nước sản xuất không đủ cung.

Đối với doanh nghiệp xây dựng, các loại thép cây, thép ống đã tăng giá từ 20 - 25% kể từ tháng 9/2020. Giá thép tăng cao cộng với nguồn cung khan hiếm khiến tiến độ xây dựng các dự án bị chậm, giá thành xây dựng cao ngoài dự tính, hiệu quả xây dựng của nhà thầu giảm.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, dù thị trường trong nước khan hiếm, nhưng xuất khẩu phôi thép và thép thành phẩm của Việt Nam lại tăng mạnh so với năm ngoái cho thấy sự mất cân đối trong ưu tiên thị trường xuất khẩu so với thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến lượng thép thiếu hụt là do việc xây dựng ồ ạt trong 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, công nghệ và phương thức xây dựng truyền thống sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải.

Mặc dù thép trong nước đang tạm thời thiếu hụt, tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước tự chủ động sản xuất phôi thép, tăng xuất khẩu phôi thép, thép thành phẩm và đang ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa nhập khẩu, xuất khẩu sắt thép thành phẩm; từ 7,68 triệu tấn năm 2019 còn khoảng 3,53 triệu tấn năm 2020. Với đà phát triển này, Tổng cục Hải quan cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng xuất siêu các mặt hàng thép.

Bảng giá thép ngày 7/1/2021: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam

Bình luận