Giá thép tiếp đà đi xuống
Giá thép ngày 12/4 giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 115 nhân dân tệ xuống mức 4.971 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Các nhà phân tích tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ trong nước cùng với những điểm tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu đã hỗ trợ tăng trưởng sản xuất và bán hàng của ngành thép trong quý IV năm tài chính 2020 - 2021 (kết thúc vào 31/3/2021).
Năm nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ, gồm Tata Steel, JSW Steel, Steel Authority of India Ltd (SAIL), Jindal Steel & Power Ltd và AM/NS India (trước đây là Essar Steel), chiếm khoảng 55% công suất hoạt động của Ấn Độ.
Doanh thu của các công ty thép đã cải thiện 20% theo quý và 45 - 50% so với một năm trước.
Nguyên nhân là do nhu cầu gia tăng, dẫn đến sự phục hồi trong chi tiêu vốn của các bang và sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất đồ điện gia dụng cũng như bất động sản xây dựng.
Giá thép dẹt trong nước của Ấn Độ ước tính đã tăng 32% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Theo báo cáo của Care Ratings vào ngày 30/3, giá thép trên thế giới đang ở mức cao chưa từng có do giá quặng sắt tăng mạnh cũng như nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, châu Âu và các thị trường mới nổi khác.
Trong đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) dự kiến sẽ tăng ít nhất 3.500 - 4.000 rupee/tấn vào tháng 4/2021. Nếu mức tăng 4.000 rupee/tấn xảy ra thì sẽ đưa giá HRC lên 59.000 - 60.000 rupee/tấn, khoảng giá cao nhất theo ghi nhận kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, trong khi giá thép đi lên mang đến sự nhẹ nhõm cho các công ty thép sản xuất thép, ở chiều ngược lại, các bộ phận người tiêu dùng cuối cùng lại lo lắng về sự gia tăng mạnh của chi phí nguyên liệu.
Giá sắt thép trong nước và quốc tế tiếp tục tăng cao
Kế hoạch cắt giảm sản lượng thép thô của Trung Quốc trong năm 2021 có thể gặp thách thức lớn do giá thép thế giới tăng cao khiến các nhà máy thép của nước này nỗ lực gia tăng công suất sản xuất, dư sức bù lại cho sản xuất giảm ở những nơi khác.
Theo nhận định của S&P Global Platts Analytics, do yếu tố trên, tổng sản lượng thép toàn cầu năm nay có thể sẽ không thấp hơn so với năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, giá sắt thép liên tục tăng mặc dù với tốc độ chậm hơn so với cuối năm ngoái do lũ lụt ở Australia khiến cho việc khai thác quặng sắt, than cốc khó khăn nên quốc gia này tăng giá xuất khẩu. Trong khi đó một số quốc gia cũng tăng thuế xuất nhập khẩu sắt thép phế liệu, như Malaysia mới ra thông báo tăng thuế xuất khẩu phế liệu sắt thép từ 0% lên 15%...
Trong nước, thông thường vào thời điểm sau Tết âm lịch cũng là mùa xây dựng nên nhu cầu về thép và nguyên liệu khác tăng cao.
Từ tháng 9/2020 đến nay, cứ theo chu kỳ 2 tuần thì giá thép tăng khoảng 2%, có thời điểm 2 - 3 ngày đã tăng một lần. So với quý III/2020, giá thép hiện nay đã tăng từ 10 - 20%, riêng thép cây, thép ống kể từ đầu tháng 3/2021 tăng thêm khoảng 20%. Hiện mức giá thép trên địa bàn TP Hà Nội dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá tháng 10/2020.
Ngày 10/4, tại miền Bắc giá thép Hòa Phát ghi nhận giá tăng mạnh lên mức 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240; thép D10 CB300 cũng chạm mức 15.780 đồng/kg; tại miền Trung thép cuộn CB240 tăng vọt lên 16.110 đồng/kg, trong khi thép D10 CB300 đã tăng 300 đồng lên mức 15.860 đồng/kg; tại miền Nam, thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg; thép D10 CB300 đạt 15.840 đồng/kg. Thép Việt Đức ở miền Bắc và Trung loại CB240 là 15.690 đồng/kg; loại D10 CB300 là 15.720 đồng/kg…
Với xu hướng giá thép thế giới sẽ còn tăng, dự báo giá thép trong nước sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Bảng giá thép miền Nam ngày 12/4/2021