Giá thép xây dựng giảm
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 1,1% xuống 3.530 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 0,2% xuống 14.205 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 3.564 CNY/tấn, sau khi Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô cho biết doanh số bán ô tô trong tháng 12/2019 giảm tháng thứ 18 liên tiếp. Hiệp hội cũng cho biết, thị trường ô tô Trung Quốc có khả năng giảm năm thứ 3 liên tiếp trong năm 2020 sau khi giảm 8,2% trong năm 2019.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống 657 CNY/tấn.
Ảnh minh họa: internet
Theo số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 340,36 điểm hôm 13/1/2020, tăng 0,18% tương đương 0,6 điểm so với chỉ số trước đó hôm 10/1/2020.
Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 322,57 điểm, tăng 0,13% tương đương 0,42 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 343,72 điểm, tăng 0,18% tương đương 0,63 điểm so với chỉ số trước đó.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc ngày 14/1/2020 tăng, hồi phục từ mức giảm 3 phiên liên tiếp do lo ngại khả năng gián đoạn xuất khẩu quặng sắt từ nước cung cấp hàng đầu – Australia – nơi mùa bão bắt đầu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 1,5% lên 667,5 CNY (97,05 USD)/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn Singapore tăng 1,2% lên 91,4 USD/tấn.
Các nhà phân tích thuộc ANZ cho biết: “Các nhà đầu tư xem xét nguy cơ nguồn cung xung quanh cơn bão tại Australia”.
Một cơn bão nhiệt đới nghiêm trọng có tên là Claudia đang di chuyển tới khu vực tây bắc Pilbara – khu vực sản xuất quặng sắt chủ yếu của Australia.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc ước đạt 127,9 triệu tấn tính đến ngày 10/1/2020, thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy thép tại một số khu vực cắt giảm sản lượng trong thời gian trước mắt để hạn chế ô nhiễm, nhà phân tích thuộc ING cho biết.
Ngoài ra, triển vọng nhu cầu quặng sắt tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới suy giảm khi Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc tuyên bố sẽ nghiêm cấm việc bổ sung công suất sản xuất thép mới vào năm 2020.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc duy trì ở mức 94,7 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Nhập khẩu quặng sắt Trung Quốc trong năm 2019 tăng 0,5% lên 1,069 tỉ tấn, do nhu cầu tại các nhà máy thép tăng mạnh và xuất khẩu từ các mỏ khai thác lớn ổn định sau gián đoạn hồi đầu năm 2019.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,2%. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,1%. Giá thép không gỉ giảm 0,8%.
Việc hạn chế công suất sản xuất thép có thể hạn chế tăng trưởng sản lượng thép tại Trung Quốc và tác động đến nhu cầu quặng sắt trong năm nay.
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 0,2% song giá than cốc giảm 0,2%.
Ngành thép năm 2020: Sức ép cạnh tranh gia tăng nhưng áp lực giảm giá bán không quá lớn
Sau một năm lạc quan với mức tăng trưởng sản lượng thành phẩm đạt 10% trong năm 2018, sản lượng tiêu thụ thép duy trì hiệu suất ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019 với tổng mức tăng trưởng sản lượng đạt 11%.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 15%, do các hoạt động xây dựng từ các dự án của các năm trước và việc giá thép phục hồi khuyến khích các đại lý tích lũy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 11, nhu cầu giảm đáng kể với tổng sản lượng tiêu thụ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước tăng vừa phải, ở mức 3,5%.
Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ thành phẩm trong 11 tháng năm 2019 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 15,4 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 9,7 triệu tấn (tăng 6,5%). Trong khi đó, sản lượng thép ống và tôn mạ không thay đổi đạt 5,6 triệu tấn.
Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, Công ty Chứng khoán SSI ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm.
Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
Trong năm 2020, cũng cần lưu ý đến một rủi ro xuất phát từ nhu cầu chậm lại của thị trường Trung Quốc.
Theo SSI, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam.