Giá thép xây dựng giảm
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 6 nhân dân tệ xuống 3.596 nhân dân tệ/tấn vào lúc 7h00, ngày 9/1, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Giá thép thanh xây dựng giao tháng 5 tăng 1,3% lên 3.617 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 2/7 trong phiên thứ Tư (8/1), theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,6% lên 3.643 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt ở Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 5 tháng với hi vọng nhu cầu của các nhà máy phục hồi trước kì nghỉ lễ.
Hợp đồng quặng sắt hoạt động mạnh nhất, giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng vọt 2,85% lên 685 nhân dân tệ/tấn (tương đương 98,69 USD/tấn) vào đầu phiên phiên giao dịch.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá thép tăng 2,1% lên 680 nhân dân tệ/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 2/8.
Các nhà máy thép khu vực phía Nam và Đông Trung Quốc đang tăng cường bổ sung dự trữ trước kì nghỉ lễ mùa xuân sắp tới, song lượng tích trữ tại các nhà máy phía bắc vẫn tương đối thấp.
Dự kiến các công ty thép ở phía bắc sẽ bổ sung ít nhất 1,95 triệu tấn quặng sắt trước kì nghỉ Tết Nguyên đán, rơi vào ngày 24/1.
Trong khi đó, căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông có thể ảnh hưởng đến giá nguyên liệu sản xuất thép.
Iran đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào các lực lượng do Mỹ lãnh đạo ở Iraq vào sáng ngày 8/1, nhằm trả đũa cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào một chỉ huy Iran.
Dự kiến sẽ không có bất kì tác động lớn nào đến nguồn cung quặng sắt do sản lượng trong khu vực đó hạn chế. Tuy nhiên căng thẳng Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, điều này có thể đẩy cước phí vận chuyển quặng sắt tăng.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% tăng lên 95,5 USD/tấn vào thứ Ba (7/1).
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng tăng với giá than mỡ kết thúc phiên tăng 1,5% lên 1.207 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc tăng 1,3% lên 1.909 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 2 giảm 0,1% xuống còn 14.135 nhân dân tệ/tấn.
Nhập khẩu phế liệu sắt thép năm 2019 đã giảm hơn 300 triệu USD
Với các biện pháp quản lý, chặn phế liệu sắt thép, nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2019 đã giảm trên 300 triệu USD so với mức chi nhập khẩu 1,936 tỷ USD của năm 2018.
Nhập khẩu sắt thép phế liệu năm 2019 đã giảm hơn 300 triệu USD so với 2018.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu phế liệu sắt thép trong năm 2019 đã giảm mạnh so với năm 2018, trị giá 1,623 tỷ USD, giảm gần 17% so với mức 1,936 tỷ USD của năm 2018.
Sản lượng nhập khẩu cũng giảm từ mức 5,64 triệu tấn của năm 2018 xuống còn 5,46 triệu tấn trong năm 2019.
Cùng với linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả…, phế liệu sắt thép thuộc nhóm các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu.
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng nhập khẩu một cách ồ ạt, diễn biến phức tạp trong thời gian qua, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới, Chính phủ, các Bộ, ngành đã liên tục đưa ra những giải pháp siết chặt nhập khẩu phế liệu về Việt Nam.
Thời gian qua, tình trạng nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.