Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 20 nhân dân tệ lên 3.569 nhân dân tệ/tấn vào lúc 11h00, ngày 7/1, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Hợp đồng thép thanh xây dựng hoạt động mạnh nhất trên Sàn Thượng Hải, giao tháng 5 thu hồi khoản lỗ từ hai phiên trước đó với mức tăng 0,2% lên 3.559 nhân dân tệ/tấn trong phiên thứ Hai 6/1, theo Reuters.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 3.579 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao sau ở Trung Quốc mở rộng mức tăng trong phiên thứ tư liên tiếp vì tỉ lệ sử dụng hàng tuần cao hơn cho thấy nhu cầu của công ty sản xuất thép ổn định.
Tỉ lệ sử dụng tại 247 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc trong tuần trước tăng lên 78,40% từ mức 76,89%, theo dữ liệu của Mysteel..
Hợp đồng quặng sắt giao sau được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng vọt 1% lên mức 670 nhân dân tệ/tấn (tương đương 96,04 USD/tấn). Đóng cửa giao dịch giá quặng tăng 0,8% tại 668 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% tăng phiên thứ hai lên 94,5 USD/tấn vào hôm 3/1.
Giá các sản phẩm thép tương đối ổn định trong khi giá quặng sắt vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và lượng hàng tồn kho.
Giá các nguyên liệu sản xuất khác tăng với giá than mỡ tăng 0,04% lên 1.178 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc tăng 0,7% lên 1.883 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép không gỉ giao tháng 2 tăng 0,1% lên 14.080 nhân dân tệ/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuần trước đã hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 điểm phần trăm, có hiệu lực từ ngày 6/1, cung cấp hơn 800 tỉ nhân dân tệ ra thị trường.
Thép Việt sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2020
Năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, dần chiếm lĩnh lại thị trường nội địa và tăng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2020, dự báo thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) cả trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép trong nước năm 2019 tương đối ổn định về giá và thị trường các sản phẩm. Tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép trong 11 tháng đầu năm 2019 lần lượt đạt 4,1% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu (XK) sắt thép tính chung 11 tháng đầu năm 2019 đã đạt 6,04 triệu tấn, thu về 3,86 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng, nhưng giảm 8,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là khu vực ASEAN với 63%; tiếp theo là Hoa Kỳ (6,5%); châu Âu (5,6%); Hàn Quốc; Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhận định về thị trường thép, VSA cho rằng, áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, khi các nhà máy thép Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thị trường xuất khẩu. Để giữ được thị trường, doanh nghiệp ngành thép chấp nhận câu chuyện giảm bớt biên lợi nhuận. Đó cũng chính là lý do dù số lượng XK thép tăng nhưng doanh thu lại sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về tình hình các doanh nghiệp thép, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng, ngành thép hiện tồn đọng nhiều vấn đề, trước hết là độ chênh giữa nhu cầu nội địa và khả năng sản xuất. Bên cạnh đó, thách thức từ cạnh tranh khi liên tiếp các nước sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ nền sản xuất nội địa…
Để có thể đảm bảo tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, doanh nghiệp thép rất cần nhà nước tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các công cụ PVTM hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp ngành thép cũng cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro. Đặc biệt là việc tuân thủ luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế để tránh những vụ điều tra, kiện phá giá.