Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 14/3: Thép trong nước tăng 3 lần trong 10 ngày

(VOH) - 10 ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng 3 lần tăng giá. Nhiều mặt hàng khác cũng tăng khiến hàng loạt nhà thầu đối mặt nguy cơ vỡ trận, nhiều công trình có thể vỡ tiến độ.
Giá thép xây dựng hôm nay 14/3/2022
Ảnh minh họa: internet

Giá thép trong nước

Tại khu vực miền Bắc, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn vào đầu tháng, tăng lên các mức giá khoảng 17,42 triệu đồng/tấn (ngày 4-3), 17,83 triệu đồng/tấn (ngày 6-3), 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11-3).

Tại khu vực phía Nam, giá thép Miền Nam loại thép cuộn, thép cây cũng được tăng giá bán 3 lần theo đà tăng giá chung của thị trường thép. Giá thép cuộn Miền Nam từ 17,26 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,57 triệu đồng/tấn.

Thép cây xây dựng loại D10 CB300 giá từ 17,46 triệu đồng/tấn đã lên mức 18,78 triệu đồng/tấn. Tính chung, giá bán buôn thép xây dựng các loại đã tăng từ 600.000 - 1,4 triệu đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC): xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng cũng tăng giá. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.

Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng, với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng lớn hơn nên ảnh hưởng rất lớn tới giá thành xây dựng.

Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát, hạ nhiệt giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên "làm cũng chết, không làm cũng chết".

Nếu thi công công trình thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công.

Với các công trình tư nhân, nhà thầu và chủ dự án ngồi lại với nhau để tính điều chỉnh hợp đồng. Nhưng đối với các công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng dự án, chịu phạt nên ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Để đảm bảo tính khách quan, Bộ Xây dựng đứng ra khảo sát, công bố đơn giá vật liệu theo vùng, khu vực, như vậy sẽ sát với thị trường hơn.

Giá thép hôm nay trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh

Giá thép ngày 14/3, giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 112 nhân dân tệ xuống mức 4.782 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h20 (giờ Việt Nam).

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn).

Giá thép xây dựng hôm nay 14/3: Thép trong nước tăng 3 lần trong 10 ngày 2

Các nhà máy thép ở Ấn Độ đang tích cực tham gia để lấp đầy khoảng trống nguồn cung, do cuộc chiến tranh Nga - Ukraine khiến người tiêu dùng từ châu Âu sang châu Phi chuyển hướng sang nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới.

Theo Jindal Steel & Power (JSPL), cuộc tấn công Ukraine của Nga đã thúc đẩy các công ty ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi tiếp cận với các nhà sản xuất thép ở Ấn Độ, ngay cả khi giá thép đã tăng 20% trong một tháng qua.

Ông VR Sharma, Giám đốc điều hành của JSPL, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Hiện đang có sự thiếu hụt thép ở châu Âu, Trung Đông và khu vực châu Phi. Nguồn cung sẽ được bắc cầu một phần bởi Ấn Độ và một phần bởi Trung Quốc”.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy số lượng đơn đặt hàng tốt hơn từ những khu vực này trong khoảng tuần trước với một số người mua yêu cầu giao hàng ngay cho chuyến hàng vào tháng 3 và tháng 4”.

Dữ liệu thương mại cho thấy, gần 1/3 lượng thép và quặng sắt xuất khẩu của Ấn Độ được chuyển sang châu Âu trong năm ngoái. Theo công ty nghiên cứu và phân tích Steelmint của Ấn Độ, Ấn Độ đã xuất khẩu 20,63 triệu tấn vào năm 2021, chủ yếu sang Italia, Bỉ, Nepal và Việt Nam.

Các chuyên gia trong ngành kỳ vọng, các nhà máy thép của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng cường xuất hàng sang châu Âu để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine.

JSPL mong đợi, nhu cầu được tạo ra từ việc cắt giảm nguồn cung từ Nga và Ukraine sẽ thúc đẩy xuất khẩu của họ lên tới 40% doanh thu từ mức 25% hiện tại vì đang muốn tận dụng giá thép cao kỷ lục.

Ông VR Sharma: “Chúng tôi đã từng xuất khẩu khoảng 25%. Trong 2 - 3 tháng tới, chúng tôi hy vọng sẽ xuất khẩu khoảng 35-40% để có thể thu thêm lợi nhuận nhờ vào mức giá cao hơn”, theo trang Livemint.