Giá thép trong nước đồng loạt tăng
Tại miền Bắc và miền Nam, với thương hiệu Hòa Phát, giá thép cuộn CB240 hiện ở mức 17,02 triệu đồng/tấn, loại cây D10 CB300 là 17,12 triệu đồng/tấn, đồng loạt tăng 300.000 đồng/tấn so với ngày 14/2.
Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 tăng 310.000 đồng/tấn, hiện ở mức 16,66 triệu đồng/tấn; D10 CB300 tăng 150.000 đồng/tấn, ở mức 16,82 triệu đồng/tấn.
Hòa Phát, doanh nghiệp chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021, thông báo thay đổi giá sản phẩm từ ngày 15/2. Tại miền Bắc và miền Nam, giá thép cuộn CB240 ở mức 17,02 triệu đồng/tấn, loại cây D10 CB300 là 17,12 triệu đồng/tấn, đồng loạt tăng 300.000 đồng/tấn so với ngày 14/2.
Tại miền Trung, CB240 có giá 17,07 triệu đồng/tấn, D10 CB300 là 17,22 triệu đồng/tấn, cũng tăng 300.000 đồng/tấn.
Thép Kyoei cũng điều chỉnh mức tăng bằng Hòa Phát nhưng giao dịch ở mức 16,7 triệu đồng/tấn đối với CB240 và 16,9 triệu đồng/tấn đối với D10 CB300 .
Với thương hiệu thép Việt Ý, CB240 tăng 310.000 đồng/tấn, hiện ở mức 16,66 triệu đồng/tấn; D10 CB300 tăng 150.000 đồng/tấn, lên 16,82 triệu đồng/tấn.
Với Việt Đức ở khu vực miền Bắc, CB240 và D10 CB300 lần lượt là 17 triệu đồng/tấn và 17,31 triệu đồng/tấn, tăng lần lượt 250.000 đồng/tấn và 260.000 đồng/tấn.
Ở khu vực miền Trung, giá hai loại thép trên lần lượt là 17,1 triệu đồng và 17,4 triệu đồng, tăng 210.000 đồng/tấn và 290.000 đồng/tấn.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng giá thép trong nước cũng ảnh hưởng lớn bởi thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc. Giá thép tại Trung Quốc ngày 15/2 tiến sát 755,5 USD/tấn, tăng 5,5% từ đầu năm tới nay và cao nhất 16 tuần.
Nhận định về giá thép năm 2022, một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022.
Nguyên nhân là nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm sau, các dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Giá thép thế giới tiếp tục giảm mạnh
Giá thép hôm nay giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 124 nhân dân tệ xuống mức 4.738 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Hai (14/2), giá quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc sụt giảm, sau đợt phục hồi tuần trước đã đưa giá lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng, Reuters đưa tin.
Nguyên nhân xuất phát từ việc các thương nhân lo lắng trước những cảnh báo từ cơ quan quản lý nước của quốc gia này về những động thái giá bất thường gần đây.
Theo đó, hợp đồng quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 5/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE), kết thúc phiên giao dịch ban ngày thấp hơn 6,8% ở mức 776,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 122,07 USD/tấn).
Trước đó trong phiên, hợp đồng này đã giảm đến 8,6%, về mức 761,50 nhân dân tệ/tấn. Đây là mức thấp nhất đối với hợp đồng quặng sắt giao tháng 5/2022 theo ghi nhận kể từ ngày 27/1.
Tương tự, trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM), hợp đồng quặng sắt SZZFH2 giao tháng 3/2022 cũng đã giảm 1,2% ở mức 148 USD/tấn trong cùng ngày.
Ngoài những cảnh báo, trong một động thái rõ ràng là nhằm hạ nhiệt đà phục hồi, Sàn DCE của Trung Quốc cũng đã thông báo tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn cho các đợt giao hàng từ tháng 2 đến tháng 5.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan lập kế hoạch nhà nước của Trung Quốc, cho biết vào thứ Sáu (11/2) rằng, một vài nhóm sẽ được cử đến các sở giao dịch hàng hóa và các cảng lớn để xem xét tồn kho quặng sắt cũng như giao dịch trên thị trường giao ngay và tương lai.
Đồng thời, cơ quan này cũng cảnh báo các nhà cung cấp thông tin không được bịa đặt giá trong bối cảnh thị trường chứng kiến mức tăng nhanh chóng trong 5 tuần qua.
Ông Atilla Widnell, Giám đốc điều hành của Navigate Commodities (Singapore), cho biết: “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ có thể gọi là vô cùng bất ổn đối với quặng sắt. Câu chuyện tăng giá đang đẩy thị trường lên cao hơn trong khi nó liên tục bị cản trở bởi các chính sách của Trung Quốc”.