Giá thép xây dựng hôm nay 16/4/2020: Giá thép không gỉ tăng cao nhất trong hơn 7 tuần

(VOH) - Giá thép ngày 16/4 tăng, giá thép không gỉ tăng phiên thứ bảy liên tiếp do nhu cầu phục hồi, trong khi nguồn cung nguyên liệu thô gián đoạn do các mỏ nickel tại Philippines đóng cửa.

Giá thép xây dựng tăng

Giá thép thanh giao tháng trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 4 nhân dân tệ lên 3.384 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 16/4, giờ Việt Nam.

Giá thép xây dựng hôm nay 16/4/2020

Ảnh minh họa: internet

Hợp đồng thép không gỉ giao sau ở Trung Quốc kéo dài đà tăng trong phiên thứ bảy liên tiếp vào thứ Tư (15/4), tăng gần 2,9% khi nhu cầu gia tăng trong khi sự gián đoạn nguồn cung do tại các mỏ niken của Philippines cũng hỗ trợ cho giá.

Hợp đồng có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sàn Thượng Hải tăng vọt 2,9% lên 13.045 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.849,75 USD/tấn), mức cao nhất kể từ ngày 25/2. Ghi nhận giá thép tăng 2,4% lên 12.980 nhân dân tệ/tấn vào lúc 3h30 (giờ địa phương).

Một số nhà máy thép đã hạn chế doanh số bán hàng gần đây để hỗ trợ giá thép không gỉ, vốn đã ở mức thấp kể từ kì nghỉ Tết Nguyên đán, và kích thích nhu cầu phục hồi, theo ông Fu Ziwen, chuyên gia phân tích của Huatai Futures.

Ông Fu cũng cho biết sự gián đoạn nguồn cung ở Philippines có thể đẩy giá quặng niken trong thời gian tới.

Các nhà sản xuất quặng niken hàng đầu ở Philippines đã đình chỉ hoạt động khai thác và xuất khẩu ở một tỉnh phía Nam vào tuần trước để tuân thủ các biện pháp ngăn chặn virus corona.

Hợp đồng niken giao sau trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng hơn 7% kể từ ngày 2/4.

Trong khi đó, các hợp đồng thép khác có xu hướng giảm với giá thép thanh xây dựng, giao tháng 10, giảm 0,4% xuống còn 3.380 nhân dân tệ/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống còn 3.213 nhân dân tệ/tấn.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tăng 0,8% lên mức 610 nhân dân tệ/tấn.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng sắt 62% tăng lên 85,5 USD/tấn vào thứ Ba (14/4).

Giá than mỡ tăng 0,4% lên 1.134 nhân dân tệ/tấn trong khi giá than cốc giảm 0,3% xuống 1.728 nhân dân tệ/tấn.

Hiện có hơn 1,92 triệu ca nhiễm virus corona trên toàn cầu và 120.670 người tử vong, theo thống kê của Reuters.

Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu kiểm duyệt các thử nghiệm trên người đối với hai loại vắc-xin chống lại virus corona khi nước này phải chật vật để ngăn chặn các trường hợp nhiễm bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là từ nước láng giềng Nga.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tài trợ trung hạn cho các tổ chức tài chính xuống mức thấp nhất từ trước đến nay khi các nhà hoạch định chính sách tăng cường nỗ lực chống lại sự sụp đổ kinh tế từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Thị trường thép Việt Nam sụt giảm từ trước khi đại dịch ập đến

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong hai tháng đầu năm 2020, mặc dù không phải chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 nhưng sản lượng tiêu thụ thép nội địa đã sụt giảm tới 13,5%.

Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc các nhà bán lẻ có xu hướng giảm lượng hàng tồn kho do lo ngại giá thép nội địa sẽ chịu áp lực giảm giá khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu.

Giá thép tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu thép suy yếu trong đợt bùng phát dịch COVID-19. VDSC cho rằng mặc dù sản lượng thép bán ra giảm, nhu cầu thép vẫn tăng khi ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng 4,4% trong quí I.

Các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra ổn định, tuy nhiên, hoạt động bán hàng và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong hai tháng đầu năm, toàn ngành thép (bao gồm các sản phẩm hạ nguồn như thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất 2,52 triệu tấn (giảm 1,9% so với cùng kì), bán được 2,08 triệu tấn (giảm 20,5%), trong đó 447.000 tấn thép được xuất khẩu (giảm 18,1%).

Ở thị trường thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khi mở rộng thị phần từ 26,2% lên 30,1%. Formosa Hà Tĩnh đã vượt qua Vinakyoei để vươn lên vị trí thứ 3 khi với thị phần tăng từ 6,2% lên 7,7%. Trong khi đó, thị phần của Vinakyoei giảm từ 8,6% xuống còn 7,0%.

PoscoSS đang trong giai đoạn khá khó khăn khi thị phần sụt giảm mạnh từ 7,6% xuống 3,7%.

Ở phân khúc tôn mạ, VDSC cho biết thị phần của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ổn định ở mức 30%, duy trì khoảng cách an toàn với các đối thủ cạnh tranh. Đáng lưu ý, thị phần của Tôn Đông Á đã giảm đáng kể từ mức 17,1% còn 14,6% và do đó, tụt xuống vị trí thứ 3 sau Thép Nam Kim.

Trong mảng ống thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 31,9% thị phần. Minh Ngọc đang dần bắt kịp Hoa Sen khi thị phần của công ty này tăng từ 9,6% lên 11%, trong khi thị phần của Hoa Sen giảm từ 15,3% còn 13,9%.

Giá thép xây dựng hôm nay 15/4/2020: Quay đầu giảm, giá quặng sắt chạm đỉnh 4 tuần- Giá thép xây dựng ngày 15/4 giảm, giá quặng sắt tại Trung Quốc chạm đỉnh 4 tuần, do xuất khẩu từ các công ty khai mỏ lớn tại Australia và Brazil giảm gây lo ngại về nguồn cung.
Giá gas hôm nay 16/4/2020: Duy trì xu hướng tăng - Giá gas ngày 16/4 tiếp đà tăng chưa dứt, mặc dù dự trữ khí đốt của Mỹ ở mức cao do nhiệt độ ấm hơn cùng với sự sụt giảm về nhu cầu trong bối cảnh dịch virus corona lây lan nhanh chóng.