Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 42 nhân dân tệ lên 3.372 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 13/4, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Đầu phiên thứ Hai (13/4), hợp đồng thép giao sau tại Trung Quốc tăng với giá thép thanh xây dựng kéo dài lợi nhuận trong phiên thứ tư liên tiếp vì các chính sách tiền tệ thúc đẩy nhu cầu.
Các khoản vay mới của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng mạnh lên 2,85 nghìn tỉ nhân dân tệ (4044,39 tỉ USD), vượt qua dự báo 1,8 nghìn tỉ nhân dân tệ, khi ngân hàng trung ương bơm thêm thanh khoản và cắt giảm chi phí huy động vốn để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng do virus corona.
Các khoản vay hộ gia đình cũng tăng lên 989,1 tỉ nhân dân tệ vào tháng trước từ mức giảm ròng trong tháng 2.
Hợp đồng thép thanh có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Sàn Thượng Hải, giao tháng 10, tăng 1,7% lên 3.387 nhân dân tệ/tấn. Ghi nhận giá thép tăng 1,2% lên 3.371 nhân dân tệ/tấn tính đến 2h15 (giờ địa phương).
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 3.196 nhân dân tệ/tấn.
Các nhà máy ở Trung Quốc tiếp tục gia tăng sản xuất, khiến nhu cầu từ các khu vực hạ nguồn phục hồi. Tỉ lệ sử dụng ở 247 công ty thép tăng lên 78,81% tính đến thứ Sáu (10/4), theo Mysteel.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 6 tăng 1,6% lên 12.580 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao sau trên Sàn Đại Liên tăng 0,1% lên 597 nhân dân tệ/tấn.
Giá than mỡ tăng 0,4% lên 1.131 nhân dân tệ/tấn và giá than cốc tăng 0,9% lên 1.727 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao đến Trung Quốc tăng 0,3 USD lên 84,3 USD/tấn vào thứ Sáu (10/4).
Hiện có hơn 1,7 triệu ca nhiễm virus corona trên toàn cầu và 109.519 người đã tử vong, theo thống kê của Reuters.
Các công ty của Pháp trong lĩnh vực ô tô, hàng không vũ trụ và thép đã sẵn sàng trở lại làm việc với điều kiện vệ sinh đảm bảo và kêu gọi chính phủ loại bỏ các hạn chế của nước này.
Ủy ban châu Âu đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ Trung Quốc, Indonesia và Đài Loan, gần 8 tháng sau khi đưa ra một cuộc điều tra về nhập khẩu giá thấp.
Thị trường thép Việt Nam sụt giảm từ trước khi đại dịch ập đến
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong hai tháng đầu năm 2020, mặc dù không phải chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 nhưng sản lượng tiêu thụ thép nội địa đã sụt giảm tới 13,5%.
Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc các nhà bán lẻ có xu hướng giảm lượng hàng tồn kho do lo ngại giá thép nội địa sẽ chịu áp lực giảm giá khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu.
Giá thép tại Trung Quốc đã giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu thép suy yếu trong đợt bùng phát dịch COVID-19. VDSC cho rằng mặc dù sản lượng thép bán ra giảm, nhu cầu thép vẫn tăng khi ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng 4,4% trong quí I.
Các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra ổn định, tuy nhiên, hoạt động bán hàng và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong hai tháng đầu năm, toàn ngành thép (bao gồm các sản phẩm hạ nguồn như thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất 2,52 triệu tấn (giảm 1,9% so với cùng kì), bán được 2,08 triệu tấn (giảm 20,5%), trong đó 447.000 tấn thép được xuất khẩu (giảm 18,1%).
Ở thị trường thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu khi mở rộng thị phần từ 26,2% lên 30,1%. Formosa Hà Tĩnh đã vượt qua Vinakyoei để vươn lên vị trí thứ 3 khi với thị phần tăng từ 6,2% lên 7,7%. Trong khi đó, thị phần của Vinakyoei giảm từ 8,6% xuống còn 7,0%.
PoscoSS đang trong giai đoạn khá khó khăn khi thị phần sụt giảm mạnh từ 7,6% xuống 3,7%.
Ở phân khúc tôn mạ, VDSC cho biết thị phần của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ổn định ở mức 30%, duy trì khoảng cách an toàn với các đối thủ cạnh tranh. Đáng lưu ý, thị phần của Tôn Đông Á đã giảm đáng kể từ mức 17,1% còn 14,6% và do đó, tụt xuống vị trí thứ 3 sau Thép Nam Kim.
Trong mảng ống thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 31,9% thị phần. Minh Ngọc đang dần bắt kịp Hoa Sen khi thị phần của công ty này tăng từ 9,6% lên 11%, trong khi thị phần của Hoa Sen giảm từ 15,3% còn 13,9%.