Giá xăng dầu thế giới tăng
Tại thời điểm 7h30, ngày 13/4, giờ Việt Nam, giá dầu WTI tăng 4,7% lên 23,5 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 2,5% lên 32,6 USD/thùng.
Ảnh minh họa: internet
Giá hai loại dầu đều tăng mạnh nhờ thông tin Nga và Arab Saudi có thể đạt thỏa thuận giảm sản lượng lên tới 20 triệu thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ ngày 9/4. Tuy nhiên, OPEC+ chỉ nhất trí giảm 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6, 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và 6 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2021 cho đến hết tháng 4/2022.
Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như ban đầu được yêu cầu, theo CNBC.
Mới đây, trên trang Twitter của mình Tổng thống Donald Trump cho biết thoả thuận này có lợi cho tất cả các bên, giúp cứu hàng trăm nghìn việc làm trong ngành năng lượng của Mỹ.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent và WTI đều giảm lần lượt 53% và 63%.
OPEC+ kì vọng các quốc gia khác như Mỹ, Canada, Na Uy cũng sẽ giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu thô lên. Trong khi ông Trump chỉ nói rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tự giảm một cách tự nhiên nếu áp lực từ thị trường lớn.
Mức giảm trên được cho là lịch sử nhưng dường như vẫn chưa đủ để ứng phó đà giảm trong lực cầu, ước tính mất hơn 30% kể từ khi đại dịch virus corona bùng phát. Một số quốc gia châu Âu từng đề cập khả năng nới lỏng lệnh hạn chế đi lại nhưng vẫn sẽ đóng cửa biên giới, không cho phép di chuyển quốc tế cho đến khi có vắc xin phòng Covid-19.
Điều này đồng nghĩa nhu cầu năng lượng trong hai loại hình vận tải đường bộ và đường không khó tăng đáng kể trước mùa thu. Sau OPEC+, thị trường giờ đây đang trông chờ vào hành động của các nước sản xuất dầu lớn khác như Mỹ, Brazil , Mexico và Canada.
Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 3/4 tăng 15,2 triệu thùng, ngay cả khi sản lượng đã giảm 600.000 thùng/ngày xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Mỹ trong tuần trước đã vượt Italia, trở thành quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì virus corona cao nhất thế giới. Một số liệu đáng quan ngại nữa là tình trạng thất nghiệp gia tăng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 4/4 là 6,6 triệu đơn, giảm so với mức đỉnh lịch sử 6,8 triệu đơn trong tuần trước đó và 3,3 triệu đơn của tuần trước nữa.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần giảm 58 giàn khoan dầu, đưa tổng số giàn khoan hoạt động xuống 504, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Giá xăng trong nước giảm mạnh hơn 4.200 đồng/lít từ 15h ngày 29/3/2020
Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa phát đi thông tin về việc điều hành giá xăng dầu từ 15h ngày 29/3.
Theo đó, Liên Bộ quyết định trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.150 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 450 đồng/kg.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá xăng E5RON92 giảm 4.100 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 4.252 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.776 đồng/lít; dầu hỏa giảm 2.705 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.048 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 11.956 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 12.560 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.259 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 9.141 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.453 đồng/kg.
Theo Liên Bộ, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 29/3/2020 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới nên giá xăng dầu có biến động có tăng và giảm nhưng xu hướng chung là giảm.
Giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 13/4/2020
Đơn vị: đồng