Chờ...

Giá thép xây dựng hôm nay 18/5/2019: Giá thép giảm, giá quặng sắt thiết lập mức tăng kỉ lục mới

(VOH) - Giá thép hôm nay 18/5 quay đầu giảm , các nhà đầu tư dự kiến nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép sẽ tăng, do các nhà máy thép vẫn tăng sản lượng trong bối cảnh lợi nhuận tăng mạnh.

Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng gần 6% lên mức cao nhất kể từ 9 năm do triển vọng nhu cầu tiêu thụ quặng gia tăng từ các nhà máy thép.

Giá thép giảm, giá quặng sắt thiết lập mức tăng kỉ lục mới

Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 15 nhân dân tệ xuống còn 3.936 nhân dân tệ/tấn vào lúc 10h30, ngày 18/5, giờ Việt Nam.

Sản xuất thép

Ảnh minh họa: internet

Hợp đồng quặng sắt giao sau của Trung Quốc tăng gần 6% lên mức cao kỉ lục kể từ khi các hợp đồng được đưa ra vào năm 2010 do triển vọng nhu cầu của các công ty tại các nhà máy thép.

Hợp đồng quặng sắt hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 5,8% lên 710 nhân dân tệ/tấn (tương đương 102,87 USD/tấn), cao nhất kể từ tháng 7/2010.

Các nhà đầu tư tiếp tục mong đợi nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép của các nhà máy mặc dù giá cao vì họ vẫn sẽ tăng sản lượng trong bối cảnh lợi nhuận tốt, một nhà giao dịch có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Biên lợi nhuận trung bình của sản xuất thép thanh giảm xuống còn 600 nhân dân tệ/tấn so với 840 nhân dân tệ/tấn vào giữa tháng 4.

Theo dữ liệu từ Mysteel, mặc dù chính quyền thực hiện nhiều các biện pháp chống ô nhiễm tại thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc - Đường Sơn, tỉ lệ sử dụng tại các nhà máy thép trên khắp Trung Quốc tính đến ngày 17/5 tăng 0,28 điểm phần trăm lên 69,06% so với tuần trước.

Giá quặng sắt tăng mạnh cũng được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung chặt chẽ sau khi xảy ra tai nạn mỏ, điều này có thể dẫn đến một loạt các cuộc kiểm tra an toàn trên toàn quốc.

Một mỏ quặng sắt ở khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc bị ngập lụt vào sáng sớm thứ Sáu (17/5), khiến 9 người bị mắc kẹt dưới lòng đất. Mỏ này, bắt đầu hoạt động vào tháng 2, có công suất khai thác hàng năm là 1,6 triệu tấn.

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích và thương nhân cảnh báo quá trình bổ sung lượng dự trữ tại các nhà máy thép có thể chậm lại một khi nhu cầu thép bắt đầu suy yếu.

Khối lượng dự trữ các sản phẩm thép tiếp tục giảm trong tuần này xuống còn 11,62 triệu tấn, với thép thanh giảm 350.300 tấn và thép cuộn cán nóng giảm 82.700 tấn, theo dữ liệu của Mysteel.

Giá thép thanh tăng 1,3% lên 3.771 nhân dân tệ/tấn khi thị trường đóng cửa lúc 7h00 (giờ địa phương) và giá thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 3,682 nhân dân tệ/tấn.

Giá các nguyên liệu thô sản xuất thép khác cũng tăng lên vào thứ Sáu (17/5) với giá than mỡ tăng 1,8% và giá than cốc tăng thêm 1%.

Thép Việt khó chen chân vào thị trường CPTPP

 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp (DN) thép của Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều DN thép trong quý I/2019 cho thấy một bức tranh ảm đạm khi lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Dường như các DN thép vẫn chưa chớp được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhiều nước thành viên CPTPP được đánh giá có nhu cầu nhập khẩu thép thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn trên toàn cầu hoặc là thị trường mới của Việt Nam như Canada, Malaysia. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, CPTPP chính là cơ hội cho DN thép Việt Nam tiếp cận các thị trường này để tăng kim ngạch xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh thép Việt Nam đang phải chịu rất nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, thì CPTPP chính là một cánh cửa để thép Việt Nam “xuất ngoại” dễ dàng hơn.

Tuy CPTPP đã có hiệu lực được khoảng 4 tháng, nhưng xem ra các DN thép Việt chưa tận dụng được bao nhiêu. Thông tin mới nhất là cuối tháng 4/2019, Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn, trị giá 12 triệu USD đi Mexico. Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã có xuất khẩu sang một số thị trường thành viên CPTPP (Nhật Bản, Malaysia..) nhưng lượng hàng xuất vẫn chưa nhiều.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bluescope Việt Nam nhìn nhận, với thị trường CPTPP, ngành thép Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều hơn hơn xuất khẩu. Đa số các quốc gia chúng ta đang xuất khẩu thép đều nằm ngoài CPTPP. “Sản phẩm thép của Việt Nam chưa vào được nhiều thị trường thành viên CPTPP là bởi chúng ta chưa có chất lượng, kiểu dáng, thương hiệu đột phá. Một số DN chưa thực sự quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn cao trong CPTPP”, ông Nhựt nói.

Dự báo về hoạt động xuất khẩu của DN thép những tháng còn lại của năm 2019, ông Nhựt nhận định, xuất khẩu thép năm 2019 sẽ không thuận lợi lắm so với năm 2018, vì hiện nay các nước có khuynh hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn với việc đưa ra các rào cản về áp thuế chống bán phá giá, phòng vệ thương mại.

Nhằm tận dụng các cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu, ông Võ Minh Nhựt lưu ý, DN thép cần ý thức rất rõ các rủi ro về thị trường xuất khẩu, bởi hôm nay có thể tồn tại nhưng ngày mai có thể biến mất. Đồng thời, DN cần phải thực sự nhìn nhận về ưu và nhược điểm hiện nay của sản phẩm thép Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh. Chẳng hạn, giá bán sản phẩm của DN thép Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các DN thép Trung Quốc, hoặc nhìn về sản phẩm thép có hàm lượng công nghệ cao thì chúng ta còn có khoảng cách với các DN thép của Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vì vậy, lãnh đạo các DN cần hiểu và ý thức về các tiêu chuẩn cao trong CPTPP, về chính sách bảo hộ, về nhãn hiệu, môi trường, minh bạch… để chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng hóa, đáp ứng yêu cầu.

Giá thép xây dựng hôm nay 17/5/2019: Giá thép thoát đáy 5 tuần - Gía thép hôm nay thoát đáy 5 tuần, sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6. Giá quặng sắt lên cao kỉ lục vì hàng tồn kho giảm.
Giá xăng dầu hôm nay 18/5/2019: Bất ngờ đảo chiều giảm, trong nước đã giảm gần 600 đồng/lit xăng- Giá xăng dầu hôm nay quay đầu giảm do lo ngại về lực cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, bất chấp nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn do tình hình Trung Đông.