Giá thép xây dựng giảm
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm nhẹ 3 nhân dân tệ xuống 3.711 nhân dân tệ/tấn vào lúc 8h30, ngày 19/8, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu 16/8, hợp đồng thép giao sau của Trung Quốc kéo dài đà tăng trong bối cảnh hi vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm kích thích kinh tế, theo Reuters.
Giá thép thanh xây dựng trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,4% lên 3.715 nhân dân tệ/tấn, hồi phục sau 6 tuần thua lỗ.
Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 3.730 nhân dân tệ/tấn, ghi nhận tuần tốt nhất trong 7 tuần.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2020, kết thúc phiên chỉ tăng 0,1% lên 626,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 88,95 USD/tấn).
Theo ước tính của S&P Global Platts, mức tiêu thụ thép thô của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm tăng 8,9% so với cùng kì lên 526,76 triệu tấn và đủ mạnh để hấp thụ sản lượng thép tăng vọ nội địa trong năm nay.
Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng tăng lên cùng với việc bắt đầu xây dựng bất động sản mới, cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ là động lực cốt lõi đằng sau sản lượng thép tăng vọt trong năm nay.
Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế bảo vệ môi trường trong sản xuất cùng với việc mở rộng công suất đã góp phần làm cho sản lượng thép tăng khoảng 10% cho đến nay.
Xây dựng bất động sản chiếm hơn 30% lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc và là động lực lớn nhất của nhu cầu thép. Lĩnh vực này dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay nhưng tốc độ tăng trưởng của sản xuất thép thô vẫn sẽ tăng.
Do đó, cung và cầu thép sẽ giữ cân bằng trong khi tỉ suất lợi nhuận của nhà máy sẽ giảm so với mức cao trong năm 2018.
Giá quặng sắt cũng đã điều chỉnh xuống dưới 90 USD/tấn CFR sau khi chạm mức cao nhất trong 5 năm là 126 USD/tấn vào tháng 7, cũng sẽ giúp cải thiện lợi nhuận thép.
Về phía cung, tốc độ tăng trưởng hàng năm của sản xuất thép thô Trung Quốc trong 7 tháng giảm 9% từ mức cao nhất là 10,2% trong 5 tháng đầu năm.
Việc giảm sản lượng chủ yếu là do các biện pháp hạn chế được tăng cường nhằm cải thiện chất lượng không khí ở miền Bắc Trung Quốc trong tháng 6 và tháng 7.
Tỉ lệ sản xuất cũng sẽ giảm xuống trong Ngày Quốc khánh của Trung Quốc (1/10) sắp tới.
Năm nay là lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc nên chính quyền địa phương ở miền Bắc sẽ phải giảm hoạt động công nghiệp gồm cả sản xuất thép để đảm bảo chất lượng không khí của Bắc Kinh.
Sản lượng thép của Trung Quốc năm 2019 đã bắt kịp với nhu cầu thép mạnh từ lĩnh vực bất động sản.
Trên thực tế, tốc độ của nhu cầu thép vượt xa nguồn cung trong năm 2018 khi đầu tư vào tài sản mới tăng 17,2% trong khi sản lượng thép thô tăng 6,6%. Điều này dẫn đến tỉ suất lợi nhuận của thép thanh trung bình ở mức 132 USD/tấn, theo S&P Global Platts.
Biên lợi nhuận trung bình cho đến năm 2019 là 67 USD/tấn do cung và cầu đã được cân bằng lại.
Sản lượng thép thô và gang của Trung Quốc tháng 7 ở mức 85,22 triệu tấn và 68,31 triệu tấn, tăng 5% và 0,6% so với cùng kì năm ngoái, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 14/8 cho thấy.
Bộ Tài chính: Đề xuất tăng thuế xuất nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên 5%
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện nay.
Tại dự thảo Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 lên 5% thay vì mức 0% như hiện hành. Lý giải cho vấn đề tăng trên, BTC cho hay: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang làm dấy lên lo ngại về việc thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, kéo giá thép trên thị trường giảm mạnh.
Điều này khiến nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3. Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng, trong đó 40% là nhập từ Trung Quốc. Chính vì vậy, Bộ Tài chính nhận định nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng, thép cán cuộn giá rẻ sẽ từ Trung Quốc tiếp tục tràn bào Việt Nam sẽ gây bất ổn thị trường thép Việt Nam.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Thép, hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được một số sản phẩm thép cuộn cán nóng, đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Dự kiến cuối năm 2019, con số này sẽ tăng lên 70% khi nhà máy của công ty Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi và của công ty Formosa đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.