Giá thép xây dựng tăng
Giá thép thanh giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 22 nhân dân tệ lên 3.483 nhân dân tệ/tấn vào lúc 9h30, ngày 21/3, giờ Việt Nam.
Ảnh minh họa: internet
Kết thúc phiên thứ Sáu (20/3), giá thép thanh xây dựng tăng 0,6%. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,1% nhưng giá thép không gỉ tăng 1%, theo Reuters.
Hợp đồng quặng sắt giao sau của Trung Quốc tăng cao vì kì vọng rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị tác động bởi đại dịch virus corona.
Các gói kích thích trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu thép và quặng sắt ở Trung Quốc phục hồi.
Giá quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên chốt phiên tăng 0,5% lên 661,5 nhân dân tệ/tấn (tương đương 93,63 USD/tấn) sau khi tăng 4,7% trước đó. Giá quặng sắt đã tăng 0,5% trong tuần này.
Trung Quốc chuẩn bị tung ra gói kích thích tài khóa hàng nghìn tỉ nhân dân tệ để vực dậy nền kinh tế, dự kiến lần đầu tiên giảm sau 4 thập kỉ.
Việc thúc đẩy chi tiêu sẽ nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, được hỗ trợ với 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (394 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt của chính phủ.
Giá quặng sắt đã hạn chế đà tăng sau khi công ty khai thác mỏ Vale SA, Brazil cho biết họ có thể tiếp tục vận hành trung tâm phân phối Teluk Rubiah ở Malaysia sau khi đánh giá rủi ro của dịch virus corona.
Cũng giảm bớt những lo ngại về nguồn cung, Tập đoàn BHP cho biết hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng phát dịch bệnh.
Giá quặng sắt kì hạn trên sàn giao dịch Singapore giảm 4,3%.
Trung Quốc giữ lãi suất cho vay ổn định, bất chấp kì vọng giảm chi phí vay sau khi ngân hàng trung ương tuần trước cắt giảm lượng dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại nắm giữ.
Giá than mỡ giảm 0,9% và giá than cốc giảm 0,3%.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% ổn định ở mức 90 USD/tấn vào thứ Năm (19/3), giảm từ mức cao nhất 3 tuần là 92,5 USD/tấn, theo dữ liệu của SteelHome.
Dự trữ các sản phẩm thép lớn gồm thép thanh và thép cuộn cán nóng do các thương nhân ở 35 thành phố tại Trung Quốc nắm giữ giảm 630.700 tấn, tương đương 2,4%, xuống 25,4 triệu tấn trong khoảng thời gian từ ngày 13 - 19/3, dựa trên khảo sát của Mysteel.
Nhà đầu tư tại Trung Quốc vừa tìm ra tài sản an toàn mới trong bối cảnh sự hỗn loạn đang dần bao trùm lên thị trường tài chính. Đó là thanh cốt thép.
Giá thanh cốt thép, giúp tăng khả năng chịu lực cho bê tông, tăng gần 5% trong một tháng qua tại sàn Thượng Hải. Cùng giai đoạn, giá vàng, tài sản an toàn truyền thống khi khủng hoảng, lại giảm hơn 5% bởi nhà đầu tư bán ra để bù lỗ cho các tài sản khác.
Nhà đầu tư tại Trung Quốc đặt cược Bắc Kinh sẽ triển khai gói kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế do ảnh hưởng từ virus corona, tăng nhu cầu đối với vật liệu thô sử dụng trong xây dựng.
Malaysia điều tra CBPG thép mạ xuất xứ Việt Nam với biên độ cáo buộc đến 39,27%
Các doanh nghiệp Việt Nam được nêu trong Hồ sơ yêu cầu gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tân Phương Khanh, Tôn Phương Nam, Maruichi Sun Steel.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 13/3, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam.
Cụ thể hàng hóa bị điều tra là thép cán dẹt không hợp kim, được phủ hoặc mạ nhôm hoặc kẽm, còn có tên gọi khác là thép mạ hoặc tôn mạ.
Trong đó, từ 1/4/2017, các sản phẩm có mã HS là 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.61.91, 7210.61.92, 7210.61.99, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29.
Còn trước 1/4/2017 là các mã HS 7210.61.31, 7210.61.39, 7210.61.90, 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.61.91, 7210.61.92, 7210.61.99, 7212.50.21, 7212.50.22.
Thời kì điều tra từ 1/8/2016 đến 31/7/2019. Đây là thời kì Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia thu thập số liệu để tính toán biên độ phá giá của Việt Nam, thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước của Malaysia và mối quan hệ nhân quả.
Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam là 39,27%. Các doanh nghiệp Việt Nam được nêu trong Hồ sơ yêu cầu gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Tân Phương Khanh, Tôn Phương Nam, Maruichi Sun Steel.
Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia sẽ gửi Bản câu hỏi điều tra cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được biết tới. Các doanh nghiệp chưa nhận được phải liên lạc để đề nghị cung cấp Bản câu hỏi trong trước ngày 3/4/2020 và nộp Bản trả lời câu hỏi trước 17h ngày 17/4/2020 (theo giờ Malaysia).